Cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hơn 36 năm, với 18 năm làm giáo viên (GV) giám thị, 2 thầy giáo Nguyễn Tấn Nghĩa và Nguyễn Văn Lẹ cứ đinh ninh rằng mình sẽ được hưởng mọi quyền lợi và chế độ đãi ngộ theo quy định. Thế nhưng, khi xét danh sách hưởng phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo thì các thầy lại bị gạt tên vì “không trực tiếp giảng dạy”.
Bỗng dưng mất quyền lợi!
Là GV bộ môn toán - lý, trực tiếp giảng dạy nhiều năm, từ năm 1996, thầy Lẹ và thầy Nghĩa được phân công làm giám thị tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố (quận 10, TP HCM). Theo Văn bản số 35/THCN-ĐH ngày 16-8-1991 của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM quy định tạm thời về nhiệm vụ, quyền hạn của công tác giám thị trong nhà trường phổ thông, GV được cử làm giám thị được hưởng mọi quyền lợi và chế độ đãi ngộ như GV đứng lớp. Tinh thần đó của văn bản được thực hiện suốt một thời gian dài.
Thầy Nguyễn Văn Lẹ đang trình bày sự việc với Báo Người Lao Động
Đến tháng 9-2012, khi thực hiện Quyết định 244 của Thủ tướng về phụ cấp ưu đãi và Nghị định số 54/CP về phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thì hồ sơ của thầy Lẹ và các giám thị trong trường đều bị trường và Phòng GD-ĐT quận 10 khước từ với lý do không tham gia giảng dạy nên không đủ điều kiện để xét. “Tất cả văn bản hiện hành về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo đều nêu rõ đối tượng hưởng là nhà giáo trong biên chế, đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, đã được bổ nhiệm ngạch viên chức và xếp lương vào ngạch viên chức ngành GD-ĐT (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15 theo Nghị định số 204/CP). Chúng tôi đều là GV trong biên chế đang làm công tác giáo dục trong trường công lập và đã được bổ nhiệm ngạch viên chức có 2 chữ số đầu là 15, cụ thể mã ngạch của tôi là 15A 201 và ông Nghĩa là 15C 208 nên hoàn toàn đủ điều kiện để hưởng phụ cấp thâm niên. Nhưng không hiểu sao chúng tôi lại bị gạt ra rìa” - thầy Nghĩa bức xúc.
Tiền hậu bất nhất
Tuy tiêu đề của Văn bản số 35/THCN-ĐH có ghi rõ “quy định tạm thời về nhiệm vụ, quyền hạn của công tác giám thị trong nhà trường phổ thông trong khi chờ văn bản chính thức của Bộ GD-ĐT” nhưng từ đó đến nay chưa có chỉ đạo nào của Bộ GD-ĐT về vấn đề này, cũng chưa có văn bản nào phủ nhận tính pháp lý của nó. Mặt khác, ngày 22-8-2008, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu Hà đã ký Văn bản số 5344/UBND-VX về việc định biên các chức danh trong bộ máy tổ chức các trường trung học thì vẫn có quy định “một giám thị phụ trách 6 lớp”. Điều này khẳng định công tác giám thị do GV đảm trách vẫn tiếp tục thực hiện ở TP HCM và Văn bản số 35/THCN-ĐH vẫn còn hiệu lực.
Cần lưu ý, công tác giám thị là công việc đặc biệt chỉ có ở TP HCM, do Sở GD-ĐT TP đề ra theo nhu cầu giáo dục đặc thù của TP và được sự đồng ý của UBND TP. Thế nhưng, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP, lại tự phủ nhận Văn bản số 35/THCN-ĐH của sở khi hướng dẫn Phòng GD-ĐT quận 10 không giải quyết chế độ phụ cấp thâm niên đối với GV làm công tác giám thị.
Trả lời câu hỏi “văn bản nào phủ nhận Văn bản số 35/THCN-ĐH” của thầy Nguyễn Văn Lẹ, bà Nguyễn Thị Diệu Anh, Phó Chủ tịch UBND quận 10, lập luận: Văn bản 35/THCN-ĐH ghi rõ là quy định tạm thời, nay đã có quyết định của Thủ tướng, thông tư liên tịch của các bộ, nghị định của Chính phủ nên Trường THCS Nguyễn Văn Tố và Phòng GD-ĐT quận 10 áp dụng, không giải quyết chế độ phụ cấp ưu đãi và phụ cấp thâm niên ngành cho ông là đúng quy định! Thầy Lẹ bức xúc: “Các văn bản mà bà Anh viện dẫn quy định về 2 loại phụ cấp cho nhà giáo là văn bản quy phạm pháp luật, áp dụng cho cả nước, hoàn toàn không liên quan gì đến Văn bản số 35/THCN-ĐH của TP HCM. Chúng tôi không hiểu sao lãnh đạo quận 10 lại gộp 2 vấn đề thành một, cho rằng cái này phủ định cái kia?”.
Hương Huyền
Theo Người Lao động