Dù Bộ luật Hình sự hiện hành có quy định xử lý hình sự hành vi cho vay lãi nặng nhưng quy định còn mơ hồ, thiếu hướng dẫn nên rất ít trường hợp cho vay lãi nặng bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, mọi việc sẽ thay đổi khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.
Trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” của báo Dân trí kỳ này, luật sư Nguyễn Đức Chánh, cộng tác viên THƯ VIỆN PHÁP LUẬT, sẽ nói rõ hơn về việc xử lý hình sự hành vi cho vay lãi nặng và “tín dụng đen”.
Thưa luật sư, hiện nay xuất hiện rất nhiều hoạt động “tín dụng đen”, gây ra rất nhiều bất ổn về an ninh, trật tự và có thể đẩy người đi vay vào con đường kiệt quệ… Vậy, pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này?
“Tín dụng đen” thực chất là một hình thức cho vay nặng lãi với lãi suất cao vượt quá nhiều lần mức lãi suất quy định của pháp luật cho phép.
Hiện nay, theo quy định tại Điều 476 BLDS 2005, lãi suất cho vay không được quá 150% mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước quy định.
Như vậy, hành vi hoạt động tín dụng đen đã vi phạm quy định của Bộ luật dân sự 2005.
"Tín dụng đen" có mặt ở khắp nơi, từ quê nghèo đến thành thị
Cho vay nặng lãi, tín dụng đen trong trường hợp nào thì bị xử lý hình sự thưa ông?
Đối với hành vi cho vay lãi nặng, tùy theo tính chất và mức độ của hành vi cho vay lãi nặng mà người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người có hành vi “Cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay” sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Còn về trách nhiệm hình sự, Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã quy định tội cho vay lãi nặng tại Điều 163.
Theo đó, người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm. Nếu có thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Nếu đã có quy định xử lý hình sự vì sao rất ít trường hợp cho vay nặng lãi bị xử lý hình sự, thưa luật sư?
Hiện nay, theo quy định của Bộ luật hình sự, chỉ những hành vi cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột thì mới bị xử lý hình sự. Hiện chưa có hướng dẫn rõ ràng thế nào là có tính chuyên bóc lột, nhưng có thể hiểu là hành vi cho vay lãi nặng nhằm trục lợi bất chính, người phạm tội chuyên sống bằng nghề cho vay lãi nặng.
Do đó, mặc dù tình trạng cho vay lãi nặng xảy ra tương đối phổ biến, có trường hợp rất nghiêm trọng nhưng có rất ít trường hợp cho vay lãi nặng bị truy cứu trách nhiệm hình sự,
Thấy được bất cập này, nên Bộ luật Hình sự 2015 (sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/2016) đã có những quy định cụ thể hơn về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự tại Điều 201.
Theo đó, người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Phạm tội thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm
Vâng, xin cảm ơn THƯ VIỆN PHÁP LUẬT và luật sư Nguyễn Đức Chánh đã hỗ trợ thực hiện chương trình này!
Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Ngọc Tiến (thực hiện)
Theo Dân trí
MỌI VƯỚNG MẮC VỀ VẤN ĐỀ NÀY, VUI LÒNG GỬI TẠI ĐÂY, ĐỂ ĐƯỢC LUẬT SƯ TƯ VẤN CỤ THỂ. |