Những ngày qua, liên tiếp nhiều vụ án xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện gây xôn xao dư luận, khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng về sự an toàn của con em mình và nghi ngại pháp luật chưa đủ nghiêm khắc đối với loại tội phạm này nên nó còn phổ biến. Tuy nhiên, theo luật sư thì các mức phạt cho tội danh này rất nghiêm khắc, điều khó khăn là cơ quan điều tra rất khó thu thập chứng cứ để kết tội kẻ thủ ác.
Làm gì để bảo vệ trẻ khi bị xâm hại tình dục?
Trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” kỳ này, luật sư Nguyễn Đức Chánh, cộng tác viên THƯ VIỆN PHÁP LUẬT, sẽ tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan đến tội xâm hại tình dục trẻ em và các chú ý để bảo vệ quyền lợi cho trẻ khi nghi ngờ có dấu hiệu bị xâm hại tình dục.
Thưa luật sư, thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em rất nghiêm trọng gây bức xúc lớn trong dư luận xã hội. Xin luật sư cho biết hành vi xâm hại tình dục trẻ em được định nghĩa như thế nào và hình thức xử phạt ra sao, thưa ông?
Người có hành vi xâm hại tình dục có thể thực hiện bằng nhiều dạng hành động khác nhau như là việc sờ mó bộ phận sinh dục của trẻ, thủ dâm, tiếp xúc miệng với bộ phận sinh dục, giao hợp bằng ngón tay, giao hợp qua đường sinh dục hoặc hậu môn…
Lạm dụng tình dục ở trẻ em còn bao gồm cả những hành vi không tiếp xúc như khoe bộ phận sinh dục cho trẻ thấy, kể cho trẻ nghe về tình dục, cho xem phim, truyện khiêu dâm, tìm cách hướng dẫn, kích thích tình dục trẻ, rình xem trộm hoặc sử dụng hình ảnh khiêu dâm trẻ em…
Hiện nay pháp luật hình sự Việt Nam quy định hình phạt đối với tội danh xâm phạm tình dục trẻ em rất nghiêm khắc.
Điều 112 BLHS 1999 về Tội hiếp dâm trẻ em xử phạt kẻ hiếp dâm trẻ dưới 16 tuổi với khung hình phạt thấp nhất là từ 7 năm đến 15 năm tù. Trong mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi đều là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, bộ luật hình sự còn quy định nhiều tội liên quan đến hành vi này như tội cưỡng dâm trẻ em; Tội giao cấu với trẻ em; Tội dâm ô đối với trẻ em...
Bộ luật Hình sự năm 2015 (hiện chưa có hiệu lực thi hành) còn bổ sung Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm. Theo đó, hành vi lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm cũng là phạm tội.
Qua thực tế làm nghề, theo ông, đâu là những điểm khó khăn nhất trong việc xử lý một vụ án xâm hại tình dục trẻ em?
Điểm khó khăn nhất trong việc xử lý một vụ án xâm hại tình dục trẻ em là thu giữ chứng cứ.
Thông thường, các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em bị phát hiện muộn hoặc nạn nhân làm đơn tố cáo muộn. Lý do có thể là do nạn nhân che dấu sự việc vì tâm lý nạn nhân thường xấu hổ, sợ sệt khi xảy ra vụ việc hoặc bị hung thủ đe dọa; cũng có thể do trình độ hiểu biết pháp luật của nạn nhân hoặc người nhà hạn chế nên không trình báo công an mà tự đi phản ứng với nghi phạm...
Đến khi nạn nhân tố cáo, cơ quan điều tra xác minh thì những chứng cứ “vật chất” trên cơ thể mà hung thủ để lại như tinh dịch, dấu vân tay, nước bọt, vết sướt… khó thu giữ hoặc không thu giữ được. Thậm chí có trường hợp nạn nhận hoặc người nhà tự xóa các chứng cứ trên khi tắm rửa, tẩy sạch các dấu vết khi bị xâm hại.
Trong khi để xử lý hành vi này thì cần phải có chứng cứ xác thực để chứng minh hành vi vi phạm pháp luật. Chỉ dựa vào lời khai thôi thì rõ ràng khó có thể chứng minh vì nguyên tắc tố tụng là “trọng chứng hơn trọng cung”.
Thưa luật sư, khi phát hiện những bất thường trên cơ thể hoặc nghe lời kể của con mà nghi ngờ con mình bị xâm hại, cha mẹ nên làm gì để thu thập chứng cứ và bảo vệ con mình?
Theo tôi, cha mẹ nên thường xuyên để ý đến trẻ, nếu thấy vết thương, vết bầm khó giải thích ở miệng, vùng kín của trẻ; trẻ sợ hãi một người hoặc một nơi đặc biệt nào đó, phản ứng không bình thường từ trẻ khi trẻ được hỏi chúng có tiếp xúc đụng chạm với một người nào đó không; trẻ đi tiêu, tiểu khó, ra máu; thấy vệt máu trên quần áo trẻ; trẻ ít tắm, sợ tắm sợ thay đồ; trẻ khó ngủ, gặp ác mộng và hay tè dầm; trẻ hay vẽ những hình vẽ liên quan đến hành vi tình dục; bỗng hiểu rõ bộ phận sinh dục, các hoạt động tình dục cũng như các từ ngữ liên quan… thì nên nhẹ nhàng tìm hiểu để có phương án xử lý kịp thời.
Khi phát hiện những bất thường trên cơ thể hoặc qua lời kể của con mà nghi ngờ con có thể bị xâm hại tình dục, cha mẹ cần trình báo cơ quan công an càng sớm, càng tốt. Điều này tạo điều kiện cho cơ quan điều tra xác minh, thu thập chứng cứ dễ dàng hơn. Từ đó mới có thể có bằng chứng để xử lý hành vi phạm pháp luật của hung thủ.
Xin cảm ơn THƯ VIỆN PHÁP LUẬT và luật sư Nguyễn Đức Chánh đã hỗ trợ chúng tôi thực hiện chương trình này!
Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Thiên Thanh (thực hiện)
Theo Dân trí