Trong nhiều trường hợp vợ/chồng phát hiện chồng/vợ mình ngoại tình, đòi ly hôn nhưng đối phương không chấp nhận ký đơn ly hôn khiến cuộc sống gia đình rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Thúy Lệ Huyền, cộng tác viên THƯ VIỆN PHÁP LUẬT, thì người vợ/người chồng có chồng/vợ ngoại tình hoàn toàn có thể nộp đơn ra tòa xin đơn phương ly hôn nếu thu thập được chứng cứ chứng minh việc ngoại tình của chồng/vợ mình.
Trong chương trình “Ba phút cùng luật sư” kỳ này của báo Dân trí, luật sư Nguyễn Thúy Lệ Huyền sẽ tư vấn kỹ hơn cho bạn đọc quyền lợi của người ly hôn khi chồng/vợ của mình có lỗi ngoại tình.
Người ngoại tình có thể bị chia tài sản ít hơn khi ly hôn
Thưa luật sư, một bạn đọc gửi đến chương trình câu hỏi như sau: “Đầu năm 2015, vợ chồng tôi kết hôn, hiện nay tôi mới sinh con được hơn 3 tháng. Hơn một tháng qua, chồng tôi thường hay nhậu nhẹt, đi sớm về trễ. Sau đó, tôi phát hiện chồng tôi có người đàn bà khác làm chung công ty. Tôi không còn chịu đựng được nữa nên muốn ly hôn. Nhưng chồng tôi không chịu vì sợ mất mặt với họ hàng. Vậy trường hợp này tôi có thể đơn phương ly hôn không?”.
Chào bạn đọc báo Dân trí,
Theo khoản 1 Điều 51 Luật Hôn nhân Gia đình năm 2014 thì vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Như vậy, bạn đọc này có quyền đơn phương ly hôn.
Khi một bên yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình; hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Do đó, trong trường hợp của bạn đọc này, nếu có chứng cứ về việc người chồng ngoại tình, không chung thủy thì Tòa án sẽ chấp nhận yêu cầu ly hôn của bạn.
Nếu có chứng cứ chứng minh "đối tác" của mình ngoại tình, người vợ/người chồng có thể đơn phương ly hôn mà không cần sự đồng ý của "đối tác" (ảnh minh họa)
Quyền nuôi con trong trường hợp này giải quyết như thế nào, thưa luật sư?
Theo quy định tại Điều 81 Luật HNGĐ 204 thì vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con; nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn.
Trong trường hợp này, đứa bé còn nhỏ nên nếu bạn đọc này có điều kiện để trực tiếp nuôi con và không có thỏa thuận khác với người chồng thì cháu bé sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi.
Nếu người mẹ không đủ điều kiện và không thỏa thuận được với nhau thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.
Bạn đọc này cho biết là 2 vợ chồng có căn nhà chung mua sau khi kết hôn. Vậy việc chia tài sản chung này như thế nào thưa luật sư?
Nguyên tắc giải quyết tài sản khi ly hôn là do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án giải quyết theo quy định.
Theo trình bày của bạn này thì đây là tài sản chung của vợ chồng nên về nguyên tắc được chia đôi. Tuy nhiên, tỷ lệ phân chia tài sản chung có tính đến các yếu tố như hoàn cảnh gia đình 2 bên, công sức đóng góp của từng người vào việc tạo lập tài sản, lỗi của mỗi bên dẫn đến ly hôn…
Trong trường hợp của bạn đọc này, nếu có bằng chứng về việc người chồng ngoại tình, không chung thủy thì khi giải quyết, xét xử vụ án, Hội đồng xét xử sẽ xem xét yếu tố lỗi của người chồng dẫn đến việc ly hôn để chia tài sản theo tỷ lệ có lợi hơn cho người vợ. Tỷ lệ cụ thể do sự nhận định, đánh giá của Hội đồng xét xử khi căn cứ vào các yếu tố nêu trên.
Vâng, xin cảm ơn THƯ VIỆN PHÁP LUẬT và luật sư Nguyễn Thúy Lệ Huyền đã hỗ trợ thực hiện chương trình này!
Tùng Nguyên - Phạm Nguyễn - Thiên Thanh (thực hiện)
Theo Dân trí
MỌI VƯỚNG MẮC VỀ VẤN ĐỀ NÀY, VUI LÒNG GỬI TẠI ĐÂY, ĐỂ ĐƯỢC LUẬT SƯ TƯ VẤN CỤ THỂ. |