Hoạt động công khai
Sàn vàng hay còn gọi là giao dịch vàng tài khoản, thường mê hoặc nhà đầu tư bằng lợi nhuận hấp dẫn, đòn bẩy tài chính cao, trụ sở hoành tráng, trang thiết bị hiện đại, tổ chức hội thảo bài bản... Đặc biệt, việc đã từng trả lãi cao cho một số người, tại một số thời điểm là có thật, chứ không chỉ là hứa hẹn.
Bên cạnh việc hỗ trợ cho nhà đầu tư giao dịch trên các sàn vàng quốc tế, các sàn vàng thường thực hiện huy động rất nhiều tiền mặt và vàng thật của khách hàng dưới các hình thức hợp đồng khác nhau như vay vốn, ủy quyền, ủy thác đầu tư, góp vốn hợp tác kinh doanh... Về lý thuyết thì nguồn vốn sẽ được sử dụng vào mục đích mua bán hàng hóa tương lai, đầu tư vào các dự án lớn, kinh doanh tại các sàn vàng quốc tế. Nhưng thực tế thì chỉ đúng một phần, thậm chí hoàn toàn khác. Vì vậy, hậu quả là thất thoát lớn, không trả được nợ và có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm hoặc lừa đảo chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.
Từ cuối năm ngoái đến nay, một loạt nhân
sự tại các sàn vàng bị khởi tố, điều tra hình sự như tại Công ty TNHH Tư vấn -
Đầu tư Khải Thái, Công ty cổ phần Đầu tư tài chính Hà Nội (HGI), Công ty cổ phần
Đầu tư VGX, Công ty cổ phần Kinh doanh trang sức vàng quốc tế (IG), và mới đây
là Công ty cổ phần Bất động sản, thương mại và vàng BBG Việt Nam (BBG).
Theo Luật Đầu tư năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, thì kinh doanh vàng tài khoản không thuộc sáu ngành nghề đầu tư, kinh doanh bị cấm, cũng không nằm trong số 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. |
Rồi... lúng túng
Giao dịch liên quan đến vàng trong những năm gần đây rất rắc rối, vận vào đúng với câu mà dân gian vẫn truyền miệng: nhặt được bạc thì sang, nhặt được vàng thì lụi. Đơn cử như việc niêm yết giá, quảng cáo hàng hóa, dịch vụ bằng vàng, tuy không có quy định nào cấm, nhưng theo Nghị định số 95/2011/NĐ-CP trước đây thì bị xử phạt vi phạm hành chính với mức từ 300-500 triệu đồng. Đến nay, hành vi này đã không còn bị xử phạt theo Nghị định số 96/2014/NĐ-CPngày 17-10-2014.
Trong khi đó, pháp luật lại đang bỏ ngỏ trước sự rất phức tạp của loại hình đầu tư, kinh doanh sàn vàng.
Sàn vàng chưa bao giờ thuộc ngành nghề bị cấm đầu tư, kinh doanh, nhưng do không có quy định cụ thể về việc này, cũng chưa có thủ tục hành chính cấp phép, vì vậy có thể nói đây vẫn là một lãnh địa cấm. Chủ sàn vàng có thể bị xử phạt về tội “Kinh doanh trái phép” bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, các sàn vàng thường tự tin khẳng định rằng họ không kinh doanh trái phép vì không kinh doanh vàng trên tài khoản mà chỉ kinh doanh hàng hóa trên tài khoản theo quy định về sàn giao dịch hàng hóa, sàn giao dịch thương mại điện tử, trong đó có hoặc không có vàng và ngoại tệ. Và rằng, họ chỉ làm dịch vụ theo đúng đăng ký kinh doanh hợp pháp. Đó là việc nhận giao dịch theo ủy thác hoặc tư vấn tài chính để nhà đầu tư thực hiện giao dịch trên sàn.
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của IG có ngành nghề môi giới và tư vấn đầu tư; của BBG thậm chí còn ghi rõ là “tư vấn đầu tư kinh doanh vàng”. Như vậy thì khó có thể coi việc tư vấn, môi giới cho khách hàng kinh doanh trên sàn vàng quốc tế là không hợp pháp.
Kể cả khi các chủ sàn vàng nhận thấy hoạt động của mình là kinh doanh bất hợp pháp, thì cũng không dễ gì tự đóng cửa, vì đã đâm lao thì phải theo lao, nên buộc phải duy trì hoạt động và tìm cách rút lui một cách êm thấm, nhất là khi đã trót huy động vốn bằng cách thu tiền của người sau, trả cho người trước theo kiểu mô hình kim tự tháp đã bị cấm trong hoạt động bán hàng đa cấp.
Nhà đầu tư hoang mang
Pháp nhân, cá nhân nào tổ chức kinh doanh sàn vàng trực tiếp thì bị coi là bất hợp pháp. Nhưng khi họ tham gia với tư cách là nhà đầu tư “chơi” vàng tài khoản thì lại không rõ. Nhà đầu tư cũng có thể bị coi là có hành vi kinh doanh trái phép, nếu chơi trên sàn vàng trong nước. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư tham gia đặt lệnh trên sàn vàng quốc tế thì không biết có phải là hoạt động bất hợp pháp hay không. Và tất cả đều chưa có chế tài nào xử lý. Nghị định số 96/2014/NĐ-CP cũng không quy định xử phạt đối với các hoạt động giao dịch vàng trên tài khoản trái phép. Do đó, khó có cơ sở pháp lý để xử lý đối với các hoạt động dịch vụ của sàn vàng và kinh doanh trên sàn của nhà đầu tư.
Pháp luật hiện hành đang cấm đánh bạc và “kinh doanh dịch vụ tổ chức đánh bạc, gá bạc trái phép dưới mọi hình thức” nhưng cơ quan chức năng vẫn đang soạn và trình dự thảo nghị định cho phép người trong nước được đánh bạc tại casino. Trong khi đó, kinh doanh vàng tài khoản không phải là hoạt động bị cấm, nhưng vẫn chưa thấy bất kỳ một dự thảo hay thông tin nào về vấn đề này.
Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, thì kinh doanh vàng tài khoản không thuộc sáu ngành nghề đầu tư, kinh doanh bị cấm, cũng không nằm trong số 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện (chỉ có ba ngành nghề liên quan đến vàng, đó là: kinh doanh mua, bán vàng miếng; sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng; sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ). Vậy thì không lẽ vàng tài khoản lại thuộc loại được tự do kinh doanh?
Vàng tài khoản là một kênh đầu tư, kinh doanh đầy rủi ro, mạo hiểm, nhưng cũng không hơn casino. Cần phải xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ để quản lý, sao cho vừa đáp ứng được nhu cầu chính đáng của nhà đầu tư, vừa không gây ra các hệ lụy xấu ngoài khả năng kiểm soát.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC