Điều kiện kinh doanh cho nhà đầu tư nước ngoài: theo luật nào?

23/07/2015 08:10 AM

Luật Đầu tư sửa đổi đã có hiệu lực từ ngày 1-7; nhưng với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà luật Việt Nam “mở” hơn điều ước quốc tế thì áp dụng theo luật nào và nếu các điều ước quốc tế quy định khác nhau thì chọn điều ước nào để áp dụng?

Nhà đầu tư ngoại muốn đầu tư vào các ngành kinh doanh có điều kịện, nhất là ngành tài chính, chứng khoán vẫn phải chờ Luật đầu tư hướng dẫn chi tiết. Ảnh:TL

Đây là một trong những rắc rối gây khó khăn cho việc biên soạn và ban hành quy định hướng dẫn thi hành Luật đầu tư dù luật đã có hiệu lực từ ngày 1-7 vừa qua.

Tiến trình thực thi Luật đầu tư, áp dụng từ đầu tháng 7 vừa qua liên tục gặp phải các rắc rối về con dấu doanh nghiệp, áp mã ngành kinh doanh hay điều kiện kinh doanh đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đây là các điều kiện sẽ tiếp tục được duy trì, nằm ngoài 399 điều kiện sẽ hết hiệu lực từ ngày 1-7 (nằm tại 170 thông tư, quyết định của các bộ, ngành).

Cho dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã có văn bản tạm thời hướng dẫn luật từ ngày 26-6 song Chính phủ vẫn yêu cầu bộ phải có hướng dẫn tạm thời chi tiết hơn và đẩy nhanh tiến trình dự thảo nghị định hướng dẫn luật.

Một trong những vấn đề đang được Bộ KH-ĐT lấy ý kiến Bộ Tài chính và các bộ liên quan là điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tại 13 ngành nghề kinh doanh tài chính (bao gồm kinh doanh dịch vụ kiểm toán, kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế, kinh doanh chứng khoán, kinh doanh môi giới bảo hiểm…) sẽ như thế nào? Nếu các điều kiện kinh doanh thuộc các lĩnh vực kinh doanh nói trên mà điều ước quốc tế khác với luật Việt Nam thì áp dụng theo quy định nào?

Trong văn bản trả lời Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính cho rằng, về cơ bản các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực tài chính thì điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài thống nhất với các cam kết quốc tế. Riêng có ngành nghề kinh doanh chứng khoán thì có quy định của luật Đầu tư của Việt Nam "mở" hơn.

Thông thường, trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác với pháp luật hiện hành trong nước thì thì áp dụng theo điều ước quốc tế. Song bộ Tài chính cũng cho rằng, với trường hợp các điều kiện kinh doanh chứng khoán, pháp luật Việt Nam có quy định thuận lợi hơn điều ước quốc tế thì Bộ Tài chính đề nghị Bộ KH-ĐT xử lý hướng dẫn theo hướng cho phép nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện theo pháp luật Việt Nam.

Mặt khác, đối với những ngành mà Việt Nam chưa cam kết mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài hoặc không được liệt kê cụ thể trong danh mục cam kết của Việt Nam theo điều ước quốc tế thì Bộ KH-ĐT phải ban hành các điều kiện đầu tư cụ thể theo quy định của luật nếu thấy cần thiết, nhất là trong các trường hợp liên quan đến tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Một vướng mắc khác sẽ gặp phải khi hướng dẫn luật Đầu tư là trong quá trình thực hiện điều ước quốc tế hiện nay chưa có quy định về nguyên tắc: trong trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác nhau về điều kiện đầu tư áp dụng cho cùng một đối tượng thì hướng dẫn nhà đầu tư nước ngoài áp dụng theo điều ước nào? Lấy ví dụ, hoạt động đầu tư tại các ngành giáo dục, y tế… theo Hiệp định đầu tư song phương Việt Nam - Nhật Bản thì các nhà đầu tư Nhật sẽ được nhận những điều kiện mở hơn; còn theo điều kiện trong Biểu cam kết về dịch vụ của Việt Nam theo WTO thì điều kiện đầu tư sẽ bị hạn chế hơn. Vậy áp dụng theo điều ước quốc tế nào?

Quan điểm của Bộ KH-ĐT đang nhận được sự đồng tình của các bộ có liên quan là trong trường hợp các điều ước quốc tế về điều kiện đầu tư có quy định khác nhau về ngành nghề hoặc điều kiện đầu tư thì nhà đầu tư nước ngoài được chọn áp dụng quy định tại một trong các điều ước đó, theo hướng có quyền chọn điều kiện đầu tư thuận lợi hơn.

Lan Nhi

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,448

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]