Sắp ban hành Thông tư về TTCK phái sinh

03/08/2015 08:04 AM

“Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) hoàn tất những khâu cuối để trình Bộ Tài chính ban hành, qua đó đảm bảo hoàn thiện hành lang pháp lý cho triển khai TTCK phái sinh trong năm 2016”, Phó chủ tịch UBCK, TSKH Nguyễn Thành Long cho biết.

chứng khoán phái sinh

TSKH Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch UBCK

Đâu là những nội dung chính của dự thảo Thông tư, thưa ông?

Hiện tại, những quy định, định hướng thiết lập cho thị trường, đảm bảo sự phát triển TTCK phái sinh và công tác quản lý Nhà nước đối với thị trường này về cơ bản đã đầy đủ. Vấn đề còn lại là chi tiết hoá các định hướng này bằng thông tư hướng dẫn và các quy chế của Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD). Dự thảo thông tư này đang được UBCK khẩn trương hoàn thiện để sớm trình Bộ Tài chính ban hành.

Thông tư sẽ hướng dẫn 2 nội dung chính. Thứ nhất, nội dung mang tính nền tảng là đưa ra các quy định cụ thể đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán phái sinh; các thành viên giao dịch, thanh toán bù trừ như: CTCK, công ty quản lý quỹ, ngân hàng cung cấp dịch vụ cho TTCK phái sinh. Những quy định này sẽ đáp ứng các đòi hỏi của thị trường cả trong hiện tại và tương lai.

Nội dung thứ hai liên quan tới sản phẩm. Để bảo đảm quản lý tốt thị trường, ở giai đoạn đầu triển khai TTCK phái sinh, dự kiến, chỉ có 2 sản phẩm phái sinh cơ bản là: hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số và hợp đồng tương lai dựa trên trái phiếu. Trong giai đoạn tiếp theo, sẽ bổ sung các sản phẩm khác theo mức độ phát triển của thị trường và theo nhu cầu của thị trường, ví dụ quyền chọn, quyền chọn hợp đồng tương lai, hay các chứng khoán phái sinh dựa trên các tài sản cơ sở khác không phải là chứng khoán.

Sản phẩm chứng khoán phái sinh là công cụ để phòng ngừa rủi ro. Có ý kiến cho rằng, cổ phiếu mới cần phòng ngừa rủi ro nhiều hơn, vì vậy, cần có hợp đồng tương lai dựa trên cổ phiếu, nhưng sản phẩm đầu tiên dự kiến triển khai lại bắt đầu từ trái phiếu chính phủ (TPCP) - sản phẩm gần như không có rủi ro?

Thị trường, NĐT cần hiểu rằng, hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số là công cụ phòng ngừa đa dạng, thích hợp cho tất cả mọi cổ phiếu, danh mục cổ phiếu. Chứ nếu chứng khoán phái sinh mà chỉ dựa trên sản phẩm cơ sở là một loại cổ phiếu, thì chỉ có tác dụng phòng ngừa rủi ro cho một loại cổ phiếu đó và rất có thể không đủ thanh khoản để duy trì chứng khoán phái sinh dựa trên các cổ phiếu đơn lẻ.

Nhiều người nghĩ rằng, chứng khoán phái sinh của cổ phiếu nào thì mới phòng ngừa được rủi ro cho cổ phiếu đó. Tuy nhiên, không hoàn toàn đúng như vậy, bởi giữa mỗi loại cổ phiếu và chỉ số trên thị trường luôn có mối tương giao, chính là hệ số tương quan. Như vậy, hợp đồng tương lai trên chỉ số hoàn toàn có thể phòng ngừa rủi ro cho từng loại cổ phiếu đơn lẻ, thậm chí cả những cổ phiếu không nằm trong rổ chỉ số.

TPCP đương nhiên là công cụ có mức độ rủi ro gần như bằng 0, nhưng đó là rủi ro thanh toán. Còn bản thân sản phẩm này vẫn chịu những biến động về giá do sự thay đổi mặt bằng lãi suất. Do vậy, để phòng ngừa rủi ro về giá, các tổ chức đầu tư vẫn cần những công cụ phái sinh. Hợp đồng tương lai TPCP chính là câu trả lời cho vấn đề này.

Nhiều ý kiến cho rằng, sản phẩm chứng khoán phái sinh chỉ dành cho NĐT tổ chức, chuyên nghiệp, chứ không thích hợp với NĐT cá nhân nhỏ lẻ. Có đúng như vậy không, thưa ông?

Chứng khoán phái sinh không phải là công cụ chỉ dành riêng cho NĐT tổ chức. Chúng tôi sẽ thiết kế các sản phẩm làm sao cho phù hợp với NĐT tổ chức, cũng như đáp ứng nhu cầu quản lý rủi ro của NĐT cá nhân.

Tuy nhiên, trước sự biến động mạnh của TTCK Trung Quốc, một lần nữa cho chúng ta thấy rằng: cần có cấu trúc cơ sở NĐT vững chắc dựa trên nền tảng những NĐT chuyên nghiệp, quản trị rủi ro tốt.

Ông đánh giá thế nào về mức độ sẵn sàng của các thành viên thị trường trong triển khai TTCK phái sinh?

Đến thời điểm này, các thành viên rất chủ động trong chuẩn bị gia nhập thị trường. Họ hiểu rằng, sự ra đời của TTCK phái sinh là bước tất yếu của sự phát triển TTCK, để có được đầy đủ công cụ giúp NĐT tham gia thị trường an toàn và bảo vệ được lợi nhuận của họ.

TTCK phái sinh là nơi cung cấp sản phẩm để quản trị rủi ro tốt. Thiếu sản phẩm này là thiếu công cụ quản lý rủi ro. Cùng với cơ cấu NĐT hiện tại nhỏ lẻ còn nhiều, tiềm lực chưa ổn định, thì rõ ràng cần vượt qua nhiều thách thức để phát triển.

Đâu là cái khó trong quá trình chuẩn bị ra đời TTCK phái sinh, thưa ông?

Đây là thị trường mới, nên khó khăn ở chỗ phải thống nhất được nhận thức, hiểu thật rõ về sản phẩm cũng như hiểu thấu đáo triết lý quản lý thị trường này từ các bài học kinh nghiệm quốc tế.

Để làm được điều này, công tác đào tạo, cập nhật kiến thức cho cả cơ quan quản lý trong lĩnh vực tài chính và công chúng đầu tư hiểu được khái niệm, mô hình hoạt động, vai trò, các ưu việt nổi trội, cũng như các rủi ro tiềm tàng của chứng khoán phái sinh là quan trọng nhất.

Chúng ta không được phép bỏ qua các bài học thất bại trên thế giới, những nguồn gốc phát sinh rủi ro có liên quan tới TTCK phái sinh để thường xuyên hơn trong cập nhật hệ thống quy định pháp lý, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của thị trường.

Với những bước chuẩn bị như trên, năm 2016, Việt Nam sẽ mở cửa TTCK phái sinh, thưa ông?

Tất cả các công đoạn chuẩn bị cho TTCK phái sinh đều đang được tích cực triển khai đồng bộ theo đúng lộ trình. Các công việc còn lại đang được UBCK cùng với VSD và HNX nỗ lực thực hiện, bảo đảm theo đúng lộ trình là trong năm 2016, Việt Nam sẽ triển khai TTCK phái sinh.

Theo ước tính của UBCK, hiện có khoảng 15 - 20 CTCK và gần 20 ngân hàng đủ điều kiện tham gia TTCK phái sinh. Số lượng này là đủ cho thị trường khởi tạo. Thời gian tới, cùng với quá trình tái cơ cấu nhằm tăng cường năng lực của các CTCK, sự phát triển của TTCK phái sinh, thì số lượng CTCK đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ chứng khoán phái sinh sẽ tăng.

Hữu Hòe thực hiện

Theo Báo đầu tư

Các loại chứng khoán phái sinh

Chứng khoán phái sinh là chứng khoán quy định tại Luật Chứng khoán 2006 và Luật Chứng khoán sửa đổi 2010, bao gồm:

- Hợp đồng tương lai;

- Quyền chọn;

- Hợp đồng kỳ hạn;

- Các chứng khoán phái sinh khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Đó là nội dung được đề cập tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/7/2015.

Cá nhân được tự do đầu tư chứng khoán phái sinh

Từ ngày 01/7/2015, tổ chức, cá nhân được tự do đầu tư vào các chứng khoán phái sinh (CKPS) trên thị trường CKPS, trừ các đối tượng sau (khi đầu tư phải đáp ứng các điều kiện nhất định):

- Công ty chứng khoán.

- Công ty quản lý quỹ.

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài.

- Tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp thuộc sở hữu 100% vốn của doanh nghiệp nhà nước.

Xem chi tiết điều kiện để được đầu tư CKPS của các đối tượng trên tại Nghị định 42/2015/NĐ-CP.

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,980

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]