Quang cảnh hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu được thông tin về kết quả phân tích tham vấn của nhóm chuyên gia kinh tế, tài chính, chính sách ở Trung ương và địa phương.
Kết quả phân tích tác động một số vấn đề chính sách trong dự thảo Luật của nhóm tác giả PGS.TS Lê Xuân Trường và PGS.TS Vũ Sỹ Cường của Học viện Tài chính, so với Pháp lệnh Phí và lệ phí, dự thảo Luật lần này có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, trong đó có 6 điểm mới chủ yếu:
Thứ nhất, khái niệm phí đã phản ánh đúng bản chất của các khoản thu; thứ hai, quy định rõ và phân biệt hai chủ thể “người nộp phí, lệ phí” với “tổ chức thu phí, lệ phí”; thứ ba, về thẩm quyền xác định danh mục phí và lệ phí mở rộng hơn, giao cho Quốc hội, chứ không phải là quyết định của Thường vụ Quốc hội như Pháp lệnh quy định.
Điểm mới thứ tư là thống nhất một nguyên tắc xác định mức thu phí chung, đồng thời áp dụng nguyên tắc “đảm bảo bù đắp chi phí” thay cho nguyên tắc “đảm bảo thu hồi vốn trong thời gian hợp lý”, bổ sung thêm nguyên tắc xác định mức thu “hợp lý”; thứ năm, về thẩm quyền xác định mức thu phí, lệ phí.
Thứ sáu, quy định về danh mục phí và lệ phí - đây là điểm mới nổi bật nhất của dự thảo Luật lần này. Xét về số lượng, giảm 22 khoản phí và 3 khoản lệ phí.
“Về cơ bản, dự thảo Luật lần này sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ và toàn diện để điều chỉnh các mối quan hệ về thu ngân sách trong cung cấp và sử dụng dịch vụ công; khắc phục triệt để tình trạng tùy tiện, tự phát trong tổ chức thu phí, lệ phí; đảm bảo lợi ích chính đáng của công dân; mở rộng dân chủ, công khai và công bằng trong thu phí, lệ phí…” - PGS.TS Lê Xuân Trường nhấn mạnh.
Khẳng định sự cần thiết trong sửa đổi chính sách phí, lệ phí, PGS.TS Lê Xuân Trường cho rằng, việc nâng cấp từ Pháp lệnh lên Luật xuất phát từ chính thực tiễn khách quan.
Theo đó, chính quyền địa phương thì vướng ở một số quy định về việc chưa đủ thẩm quyền, các doanh nghiệp thì chịu nhiều khoản phí với tình trạng “phí chồng lên phí”, cộng với năng lực quản lý xã hội ngày càng tốt hơn đòi hòi phải điều chỉnh, cũng như xã hội hóa, giảm thiểu áp lực khiến Nhà nước phải “ôm đồm” quá nhiều mà không hiệu quả.
“Việc nâng từ Pháp lệnh lên Luật thể hiện tính pháp lý cao hơn, công khai, minh bạch hơn; đảm bảo sự đồng bộ của chính sách, pháp luật, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của dân cư” – PGS.TS Trường chia sẻ.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ