Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình
BLTTDS năm 2015 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 (trừ các quy định cụ thể hóa các quy định mới có liên quan của BLDS năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017). BLTTDS năm 2015 có nhiều điểm mới quy định các vấn đề liên quan đến những nguyên tắc cơ bản trong TTDS bảo đảm cho việc giải quyết các vụ việc được nhanh chóng, chính xác. Để các Toà án áp dụng thống nhất và đúng pháp luật, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã giải đáp và hướng dẫn một số vấn đề cụ thể như sau:
*Đối với trường hợp người kháng cáo được triệu tập hợp lệ lần thứ hai theo quy định tại khoản 3 Điều 296 BLTTDS năm 2015 nhưng có tin báo là người kháng cáo bị tai nạn giao thông hoặc vợ, chồng, cha, mẹ, con của người kháng cáo chết thì Tòa án có chấp nhận hoãn phiên tòa không?
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Theo quy định tại khoản 3 Điều 296 BLTTDS năm 2015 thì Tòa án phải hoãn phiên tòa khi người kháng cáo vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Khi nhận được thông tin người kháng cáo bị tai nạn giao thông hoặc vợ, chồng cha, mẹ, con của người kháng cáo chết thì Hội đồng xét xử cần phải đánh giá mức độ tin cậy của nguồn tin, xác định người cung cấp thông tin. Hội đồng xét xử xem xét, quyết định việc hoãn phiên tòa, trừ trường hợp có căn cứ rõ ràng người kháng cáo có hành vi lừa dối nhằm cản trở hoạt động tố tụng.
*Trường hợp Thẩm phán đã đề nghị UBND cấp xã, Công an xã, phường, thị trấn nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định tại chỗ hỗ trợ do đương sự có hành vi cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ nhưng UBND cấp xã, Công an xã, phường, thị trấn không hỗ trợ thì giải quyết như thế nào?
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Khoản 4 Điều 101 BLTTDS năm 2015 đã quy định về vai trò, trách nhiệm của UBND cấp xã, Công an xã, phường, thị trấn hỗ trợ Tòa án khi có hành vi cản trở việc xem xét, thẩm định tại chỗ. Trong trường hợp UBND cấp xã, Công an xã, phường, thị trấn nơi có đối tượng được xem xét, thẩm định tại chỗ không thực hiện việc hỗ trợ theo yêu cầu của Thẩm phán thì Tòa án trao đổi với UBND cấp trên, cơ quan Công an cấp trên để có sự chỉ đạo đối với UBND cấp xã, Công an xã, phường, thị trấn trong việc hỗ trợ xem xét, thẩm định tại chỗ. Hành vi cản trở người tiến hành tố tụng tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, định giá, giám định hoặc xác minh, thu thập chứng cứ khác sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 6 Điều 489 BLTTDS năm 2015.
*Khoản 1 Điều 196 BLTTDS năm 2015 quy định: “Đối với vụ án do người tiêu dùng khởi kiện thì Tòa án phải niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án thông tin về việc thụ lý vụ án trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án”. Vậy như thế nào là “vụ án do người tiêu dùng khởi kiện?"
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Khoản 1 Điều 3 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức”. Khoản 2 Điều 3 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm: a) Thương nhân theo quy định của Luật thương mại; b) Cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh”.
Như vậy, vụ án do người tiêu dùng khởi kiện là vụ án mà người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình khởi kiện tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và pháp luật có liên quan.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 41 và khoản 3 Điều 44 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, khoản 1 Điều 196 BLTTDS năm 2015 thì khi thụ lý vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà bên khởi kiện là người tiêu dùng hoặc tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Tòa án phải niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án thông tin về việc thụ lý vụ án trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý vụ án theo quy định của BLTTDS.
* Khoản 5 Điều 189 BLTTDS năm 2015 quy định kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Vậy trường hợp khi nộp đơn khởi kiện, người khởi kiện không nộp kèm theo bất cứ tài liệu, chứng cứ gì để chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm thì Tòa án có thụ lý vụ án hay không?
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Khoản 5 Điều 189 BLTTDS năm 2015 quy định: “Kèm theo đơn khởi kiện phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Trường hợp vì lý do khách quan mà người khởi kiện không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện thì họ phải nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm. Người khởi kiện bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án”.
Về nguyên tắc, khi nộp đơn khởi kiện thì người khởi kiện phải gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Trường hợp người khởi kiện không nộp kèm theo bất cứ tài liệu, chứng cứ gì để chứng minh thì phải có văn bản tường trình, giải thích lý do không có tài liệu, chứng cứ để nộp cho Tòa án hoặc không thể thu thập được tài liệu, chứng cứ và yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ. Trường hợp lý do việc không nộp được tài liệu, chứng cứ là chính đáng thì Tòa án tiến hành thụ lý vụ án và thực hiện việc thu thập tài liệu, chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 97 BLTTDS năm 2015.
* Từ ngày 1/1/2017, việc áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với các vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất và hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất được thực hiện như thế nào?
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Theo quy định tại Điều 184 và Điều 185 BLTTDS năm 2015 thì thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu được thực hiện theo quy định của BLDS. Điều 429 BLDS năm 2015 quy định: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 3 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”. Khoản 3 Điều 155 BLDS năm 2015 quy định “Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai” thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện.
Như vậy, đối với tranh chấp liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê quyền sử dụng đất và hợp đồng thuê lại quyền sử dụng đất thì áp dụng thời hiệu theo quy định tại Điều 429 BLDS năm 2015. Đối với tranh chấp về quyền sử dụng đất (tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất) thì theo quy định tại khoản 3 Điều 155 BLDS năm 2015 không áp dụng thời hiệu khởi kiện…
Quang Huy
Theo Báo Công lý