Đây là nhận định của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Không cần thiết, không rõ ràng, không phù hợp với các luật, trùng chéo… là nhận định của VCCI về rất nhiều quy định trong dự thảo nói trên.
Hàng loạt quy định vô lý
Ví dụ, Điều 5.1.a của Dự thảo quy định dự án khai thác khoáng sản phải đảm bảo cung cầu thị trường và đáp ứng nguyên liệu cho các cơ sở có sản phẩm chế biến sâu. Quy định này can thiệp thái quá vào quyền tự quyết của doanh nghiệp và không phù hợp với các quy luật của thị trường.
Điều 5 và Điều 6 của Dự thảo quy định: thiết kế cơ sở của dự án khai thác khoáng sản phải được thẩm định tại Bộ Công Thương hoặc Sở Công Thương. Tuy nhiên, quy định này là trùng lặp, chồng chéo và không phù hợp với Luật Xây dựng. Điều 57 của Luật Xây dựng 2014 quy định thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở thuộc về cơ quan chuyên môn về xây dựng.
Điều 5.2.a của Dự thảo quy định Dự án chế biến khoáng sản phải đã xác định cụ thể nguồn nguyên liệu tin cậy. Quy định này không minh bạch và cũng không cần thiết, lại vừa can thiệp quá mức vào thị trường. Doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư một dự án sẽ phải tự mình tính toán nguồn nguyên liệu chứ không cần đến sự cho phép của nhà nước về yếu tố này.
VCCI chỉ ra hàng loạt quy định được coi là không minh bạch, kém rõ ràng, như Điều 5.2.d yêu cầu "Dự án phải có lựa chọn công nghệ, thiết bị phù hợp, đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường”; yêu cầu người lao động làm việc tại dự án phải "có sức khỏe đảm bảo", "có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ được phân công”, "có trang bị bảo hộ lao động phù hợp với công việc"…
Cũng theo VCCI, việc quy định quá chi tiết và cứng nhắc các chức danh quản lý mỏ như tại Điều 10 của Dự thảo đã can thiệp quá sâu, không cần thiết và thậm chí vượt quá yêu cầu của Luật Khoáng sản.
Chồng chéo, trái Luật Khoáng sản
Điều 8 của Dự thảo đưa ra rất nhiều điều kiện trước khi đưa mỏ vào khai thác và phải trải qua thủ tục kiểm tra, nghiệm thu của cơ quan nhà nước (Điều 8.5). Trong khi đó, Điều 55.2.c của Luật Khoáng sản chỉ yêu cầu: Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải "đăng ký ngày bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ, ngày bắt đầu khai thác với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép và thông báo cho Ủy ban nhân dân các cấp nơi có mỏ trước khi thực hiện". Như vậy, Luật chỉ quy định nghĩa vụ đăng ký và thông báo trước khi đưa mỏ và khai thác chứ không quy định nghĩa vụ phải được kiểm tra, thẩm định. VCCI khẳng định quy định này là trái Luật Khoáng sản.
Hơn nữa, theo VCCI, nhiều nội dung của thủ tục này trùng lặp với các thủ tục hành chính khác, như quy định "đã hoàn thành công trình bảo vệ môi trường" là trùng lặp với nội dung đã được quy định tại Nghị định 18/2015/NĐ-CP và được nghiệm thu bởi cơ quan bảo vệ môi trường; quy định "đã hoàn thành công trình phòng chống cháy nổ (nếu có)" là trùng lặp với nội dung đã được quy định tại Luật Phòng cháy chữa cháy và được nghiệm thu bởi cơ quan phòng cháy chữa cháy…
Trong tất cả các nội dung được quy định tại Điều 8 của dự thảo, chỉ có hai nội dung liên quan đến "đã hoàn thành xây dựng cơ bản mỏ" và "có bộ máy quản lý và công nhân lao động đáp ứng theo quy định tại Điều 7 và Điều 10 Nghị định này" là chưa có cơ quan nào quản lý. Song, tính cần thiết và khả thi của hai quy định này cũng cần được cân nhắc. Trong đó, quy định "đã hoàn thành xây dựng cơ bản mỏ" vượt quá yêu cầu của Luật Khoáng sản tại Điều 55.2.b là "bảo đảm tiến độ xây dựng cơ bản mỏ và hoạt động khai thác xác định trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ".
Quy định hồi tố “đặc biệt nghiêm trọng”
Các quy định tại Điều 18.2, Điều 18.3, và Điều 18.4 đặt ra 3 thủ tục hành chính gồm: xin phép xuất khẩu khoáng sản nhập khẩu không sử dụng hết; xin phép bán ra ngoài khoáng sản thuê nước ngoài gia công chế biến; đăng ký hợp đồng hợp đồng gia công khoáng sản cho nước ngoài.
Tuy nhiên, Nghị định chưa có quy định cụ thể về thành phần hồ sơ, tiêu chí ra quyết định và trình tự thủ tục thực hiện. Hồ sơ xin phép gồm những gì? Cơ quan nhà nước căn cứ vào tiêu chí nào để cấp phép/từ chối? Thời gian làm thủ tục mất bao lâu?... là những câu hỏi cần được giải đáp.
Điều 20 quy định doanh nghiệp phải báo cáo về tình hình hoạt động dự án khai thác khoáng sản cho Bộ Công Thương, Sở Công Thương. Tuy nhiên, Luật Khoáng sản có quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải báo cáo kết quả khai thác khoáng sản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Như vậy, có sự không thống nhất giữa Dự thảo và quy định của Luật Khoáng sản về nghĩa vụ báo cáo về khai thác khoáng sản.
Điều 20 tiếp tục quy định nghĩa vụ doanh nghiệp báo cáo hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu khoáng sản cho Bộ Công Thương và Sở Công Thương. Quy định này là không cần thiết do các thông tin này doanh nghiệp đều đã thực hiện thông qua các thủ tục hải quan. Bộ Công Thương và Sở Công Thương có thể lấy lại các thông tin này thông qua cơ quan hải quan mà không cần thiết phải yêu cầu doanh nghiệp báo cáo lại.
Đặc biệt, Điều 21.3 của Dự thảo đưa ra một quy định mang tính hồi tố bất lợi cho doanh nghiệp, theo đó yêu cầu các cơ sở chế biến khoáng sản phải điều chỉnh quy mô công suất, công nghệ đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Nghị định này trước ngày 31/12/2020. VCCI cho rằng việc yêu cầu điều chỉnh về công suất và công nghệ này sẽ có tác động đặc biệt nghiêm trọng đến hoạt động của các nhà đầu tư đã được cấp phép.
Quy mô công suất và công nghệ là những yếu tố cốt lõi của một dự án đầu tư và đều đã được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đầu tư. Quy định này không chỉ bắt tất cả các nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục xin điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp mà còn khiến rất nhiều dự án phải được thiết kế, xây dựng lại từ đầu, gây tốn kém rất nhiều chi phí xã hội.
“Thêm vào đó, việc đưa ra một quy định mang tính hồi tố bất lợi về một trong những yếu tố then chốt của dự án như vậy có thể phát đi tín hiệu rất xấu về môi trường kinh doanh tại Việt Nam”, VCCI nhận định.
Thành Đạt
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ