Sáng 20/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga. Ảnh: Q.H
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, một trong những điểm vô lý của thực tế bồi thường án oai sai lâu nay chưa được dự thảo Luật điều chỉnh, là cơ quan tố tụng yêu cầu người bị oan sai muốn bồi thường phải chứng minh được thiệt hại, đòi hỏi có hoá đơn, chứng từ… “Trong mấy chục năm người ta ngồi tù, gia đình khốn đốn thì lấy đâu ra để chứng minh, vậy sửa luật có giải quyết được thực tế này không?", bà Nga nêu câu hỏi.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thẳng thắn thừa nhận, “không dám hứa sửa đổi luật này sẽ giải quyết được hết những vướng mắc”. Ông nói, khi đưa luật vào cuộc sống đều xảy ra trường hợp tổ chức thi hành không tốt, nên có khoảng cách giữa nội dung luật và thực tế.
Trong các vụ oan sai vừa qua của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), ông Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao Tống Anh Hào khẳng định quan điểm của TANDTC là bồi thường ngay, đúng pháp luật, nhưng cái khó là người liên quan thường chứng minh thiệt hại của mình bằng các chứng từ không đảm bảo thời gian. "Chứng minh thiệt hại về vật chất như tài sản, thu nhập đã khó, chứng minh thiệt hại về tinh thần còn khó hơn", ông Hào tâm tư.
Đại diện TANDTC xin lỗi công khai ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) tại địa phương.
Chia sẻ quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận định bồi thường về tinh thần khó đo lường cụ thể. “Nếu là người có chức vụ mà bị hàm oan thì phục hồi danh dự cho họ thế nào? Chỉ một lời xin lỗi có được không?”, Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng nêu vấn đề.
“Có trường hợp thời gian kéo dài, làm oan lớn nhưng chỉ xin lỗi công khai trong 2 phút, khiến dư luận và người dân phản ứng là bồi thường, xin lỗi chỉ làm hình thức, chiếu lệ”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga phản ánh và đặt câu hỏi "trách nhiệm bồi hoàn Nhà nước của người làm sai thế nào?”.
Phó chủ tịch Tòng Thị Phóng bày tỏ không hài lòng khi nguyên tắc bồi hoàn không được thể hiện đầy đủ trong dự luật. “Nhà nước bồi thường thì người có trách nhiệm phải bồi hoàn vào ngân sách theo quy định. Dự thảo luật cần ghi rõ: thiệt hại bao nhiêu thì phải bồi hoàn cho Nhà nước bấy nhiêu”, bà Phóng dứt khoát.
Tiếp thu ý kiến, Bộ trưởng Tư pháp hứa dự thảo Luật sẽ dựa trên nguyên tắc tất cả các công chức gây ra thiệt hại đều phải bồi hoàn. Ban soạn thảo cố gắng đưa ra công thức tính để lượng hoá thiệt hại về vật chất, tinh thần để đền bù, cũng như xác định khung bồi hoàn.
“Luật sẽ thiết kế hợp lý để cán bộ, công chức ý thức việc sẽ phải bỏ tiền bồi hoàn thiệt hại do mình gây ra, nhưng cũng không đến mức quá kinh khủng để người ta không dám làm gì”, ông Long nói.
Tham gia thảo luận, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Hữu Thể chia sẻ: “Nói ra thì xấu hổ khi cơ quan chức năng phải cò kè bớt một thêm hai, vì vậy chúng ta cần có quy định rất chuẩn để cơ quan Nhà nước căn cứ vào đó tính toán mức bồi thường".
Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Hữu Thể cho rằng, quy định không rõ sẽ khiến cơ quan bồi thường mang tiếng "cò kè bớt một thêm hai". Ảnh: VPQH
Dự thảo Luật có 9 chương, 84 điều dự kiến sẽ được trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 2, vào tháng 10 tới.
6 năm bồi thường 204 vụ án oan Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước, tổng số vụ việc mà các cơ quan giải quyết bồi thường Nhà nước đã thụ lý, giải quyết sau 6 năm thi hành Luật là 258 vụ việc, trong đó đã giải quyết xong 204 vụ việc. Trong 3 năm (từ 2013 đến 2015), số bị can được đình chỉ điều tra do không cấu thành tội phạm là 98 người, số bị can được đình chỉ điều tra do hết thời hạn điều tra không chứng minh được tội phạm là 57 người. Riêng trong lĩnh vực tố tụng hình sự, theo Báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì trong 3 năm (từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2014), còn xảy ra 71 người bị oan và một số trường hợp khác có dấu hiệu bị oan đang được xem xét, giải quyết. |
Nguyễn Hoài
Theo VnExpress