Luật sửa các luật về đầu tư, kinh doanh: Liệu có trễ hẹn?

15/10/2016 08:49 AM

Theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn, chất lượng, các cơ quan thẩm tra kịp chuẩn bị thì mới đồng ý cho trình luật này vào đợt 2 phiên họp Thường vụ Quốc hội diễn ra vào ngày 17/10 tới đây.

Ảnh minh họa.

Một luật sửa nhiều luật

Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh là một dự thảo luật đặc biệt, bởi nó được soạn thảo theo một thể thức “rút gọn”: một luật sửa nhiều luật.

Cụ thể, luật này sẽ được sửa đổi bổ sung tới 12 luật liên đến quan đến đầu tư, kinh doanh, bao gồm: Đầu tư, Doanh nghiệp, Đất đai, Xây dựng, Bảo vệ môi trường, Quản lý thuế, Quảng cáo, Nhà ở, Khoáng sản, Đấu thầu, Quy hoạch đô thị và cả Luật Điện ảnh.

Nhiều chuyên gia, doanh nhân cho rằng sự ra đời của dự án luật này là hết sức cấp thiết, khắc phục tình trạng “ông chẳng bà chuộc” của nhiều quy định trong các luật về doanh nghiệp và môi trường đầu tư, kinh doanh hiện nay.

Tuy nhiên, cho đến tận phiên họp giữa tháng 8 vừa qua của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, hồ sơ dự án luật vẫn chưa có để cơ quan này có thể xem xét có đủ điều kiện để trình Quốc hội hay không. Cho đến phiên họp đầu tháng 10, khi dự thảo luật được gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng phải hoãn lại vì thời gian “quá gấp”, không đảm bảo điều kiện để thẩm tra.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, luật này sửa tới 12 luật liên quan, các nội dung cần thẩm tra liên quan đến nhiều cơ quan, uỷ ban của Quốc hội. Việc này, theo Chủ tịch Quốc hội sẽ đòi hỏi mất nhiều thời gian, khó đảm bảo để các uỷ ban vừa chủ trì các phiên họp và thẩm tra dự án luật.

Liên quan đến dự án Luật này, Thủ tướng đã gọi điện cho Chủ tịch Quốc hội. Thủ tướng mong mỏi làm sao có thể khẩn trương thẩm tra dự án luật này để kịp trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 2.

Dù Thủ tướng rất tha thiết và việc tháo gỡ những vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh cũng được người dân và doanh nghiệp mong chờ, Chủ tịch Quốc hội một lần nữa nhấn mạnh, dự thảo luật phải đảm bảo chất lượng.

Trên tinh thần yêu cầu dự thảo luật phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn, chất lượng, các cơ quan thẩm tra kịp chuẩn bị thì mới đồng ý cho trình luật này vào đợt 2 của phiên họp Thường vụ Quốc hội (vào ngày 17/10 tới).

Cần nghiêm túc, thận trọng

Trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh, có 3 luật Đầu tư, Doanh nghiệp và Đất đai chiếm nhiều nội dung được sửa đổi hơn cả. Riêng đối với Luật Đầu tư đã kiến nghị sửa khoảng hơn 70 điều, khoản.

Ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh, nhưng nhiều chuyên gia đều đồng tình cho rằng việc thận trọng trong rà soát, thẩm định dự án luật này là rất quan trọng.

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cơ quan soạn thảo luật chưa đánh giá một cách nghiêm túc các tác động của Luật Đầu tư tới môi trường kinh doanh và các lĩnh vực khác, trước khi kiến nghị sửa tới hơn 70 điều, khoản trong luật.

Ông Kiên phân tích, chỉ riêng kiến nghị sửa khoản 5 Điều 3 trong Luật Đầu tư đã là việc không đơn giản. Bởi vì Luật Đầu tư hiện chỉ quy định về khái niệm đầu tư kinh doanh, trong khi dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh lại sửa theo hướng bổ sung cả khái niệm điều kiện đầu tư và điều kiện kinh doanh.

Khi đã bổ sung theo hướng này thì một loạt các luật chuyên ngành khác cũng phải điều chỉnh theo để phù hợp và đồng bộ. Chỉ riêng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, theo cách sửa mới không rõ ngân hàng kinh doanh các hoạt động tín dụng khác thì có phải là kinh doanh có điều kiện không, và nếu có điều kiện thì ảnh hưởng như thế nào.

Theo đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Chứng khoán, Luật các Tổ chức tính dụngcũng phải sửa đổi từ trình tự thành lập, cổ đông, góp vốn… để phù hợp với Luật Đầu tư…

Khi bàn về dự thảo luật này, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo cần tránh tình trạng, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh lại có thể tạo điều kiện cho 70.000 giấy phép con thế hệ 3 tinh vi hơn ra đời. Bởi vì 7.000 giấy phép trước đó cũng được sinh ra từ sự chung chung của các đạo luật, từ các lỗ hổng, khe hở, điềm mù mờ mà cơ quan soạn thảo hoặc là cố tình không biết, hoặc là cố tình làm ngơ trong các dự thảo luật.

Mặc dù mong ngóng việc sửa đổi các điều kiện đầu tư, kinh doanh còn bất cập, song quan trọng nhất đối với mỗi người dân, đối với các doanh nghiệp vẫn là sự chặt chẽ, phù hợp, tháo gỡ thực sự các vướng mắc và không “đẻ” thêm những rào cản khác.

Theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn, chất lượng, các cơ quan thẩm tra kịp chuẩn bị thì mới đồng ý cho trình luật này vào đợt 2 phiên họp Thường vụ Quốc hội diễn ra vào ngày 17/10 tới đây.

Sau đó, nếu đáp ứng được yêu cầu về hồ sơ và chất lượng, dự thảo luật một luật sửa nhiều luật nó trên sẽ được trình Quốc hội khoá 14 xem xét tại kỳ họp diễn ra vào cuối năm nay.

N.MẠNH

Theo BizLive

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,852

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]