Theo Luật này thì trường hợp văn bản được hướng dẫn hết hiệu lực sẽ dẫn đến các văn bản hướng dẫn thi hành (quy định chi tiết) của văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực. Đây được xem là một trong những quy định tiến bộ, góp phần gỡ rối trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế việc áp dụng pháp luật từ ngày 01/7/2016 (ngày Luật BHVBQPPL 2015 có hiệu lực) đang rối bời.
1. Chưa có văn bản thì áp dụng cái gì?
Khoản 4 Điều 154 của Luật BHVBQPPL 2015 quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”.
Như vậy, kể từ ngày 01/7/2016, các Nghị định, Thông tư,… hướng dẫn thi hành cho các Bộ luật, Luật, Nghị quyết của Quốc hội đã hết hiệu lực thì cũng hết hiệu lực theo quy định nêu trên. Tuy nhiên, đến nay dù các Nghị định, Thông tư,… đó đã hết hiệu lực nhưng Chính phủ, các Bộ trưởng… vẫn chưa ban hành kịp văn bản thay thế. Vậy trong thời điểm này người dân phải áp dụng văn bản nào? Rất mong nhận được lời giải đáp từ cơ quan có thẩm quyền.
Tại Mục 10 của Nghị quyết 33/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016 đã đề cập đến việc xây dựng Dự thảo Nghị định hướng dân Luật BHVBQPPL 2015 có nêu: “Đối với các văn bản quy định chi Tiết của các luật, pháp lệnh đã hết hiệu lực nhưng chưa ban hành kịp thời văn bản thay thế, Chính phủ thống nhất tiếp tục áp dụng nếu không trái với tinh thần của luật, pháp lệnh mới được ban hành”. Tuy nhiên, nội dung nêu trên không đúng với tinh thần của Luật BHVBQPPL 2015 nên Chính phủ đã không đưa nội dung này vào văn bản chính thức tại Nghị định 34/2016/NĐ-CP. |
Hi vọng, Chính phủ, các Bộ trưởng… sớm ban hành văn bản thay thế cho những văn bản đã hết hiệu lực để lấp vào khoảng trống pháp lý đang tồn tại.
2. Thông tư liên tịch của các Bộ có hết hiệu lực hay không?
Khoản 2 Điều 172 của Luật BHVBQPPL 2015 quy định: “Thông tư liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chỉ thị của Ủy ban nhân dân các cấp là văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thì tiếp tục có hiệu lực cho đến khi có văn bản bãi bỏ hoặc bị thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác”.
Với quy định này, đã dẫn đến 02 cách hiểu đối với người áp dụng pháp luật, cụ thể như sau:
- Cách hiểu thứ nhất, mọi Thông tư liên tịch của các Bộ, cơ quan ngang bộ được ban hành trước ngày 01/7/2016 đều còn hiệu lực thi hành cho đến khi có văn bản bãi bỏ, thay thế nó.
- Cách hiểu thứ hai, chỉ có những Thông tư liên tịch được ban hành theo thẩm quyền của các Bộ, cơ quan ngang bộ trước ngày 01/7/2016 mới còn hiệu lực thi hành cho đến khi nào có văn bản bãi bỏ, thay thế nó (Vì bây giờ những Bộ, cơ quan ngang Bộ này không còn thẩm quyền ban hành Thông tư liên tịch). Còn những Thông tư liên tịch của các Bộ, cơ quan ngang Bộ được ban hành trước ngày 01/7/2016 để hướng dẫn thi hành Bộ luật, Luật, Nghị định…đã hết hiệu lực thì những Thông tư liên tịch này phải hết hiệu lực từ ngày 01/7/2016 theo tinh thần tại Khoản 4 Điều 154 của Luật BHVBQPPL.
Ví dụ: Thông tư liên tịch 175/2011/TTLT-BQP-BGDĐT hướng dẫn thực hiện Nghị định 38/2007/NĐ-CP về tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ do Bộ Quốc phòng - Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành phải hết hiệu lực vì Nghị định 38/2007/NĐ-CP đã hết hiệu lực từ ngày 01/7/2016. |
Rất mong cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành văn bản hướng dẫn rõ về trường hợp này để người dân áp dụng pháp luật được chuẩn xác.
Thanh Hữu