Lãng phí đổi bằng lái còn thời hạn

24/10/2016 10:32 AM

Nhiều ý kiến cho rằng quy định của Bộ GTVT buộc người dân phải đổi giấy phéo lái xe vẫn còn hạn sử dụng sang loại thẻ nhựa (PET) là lãng phí và vô lý.

Người dân đổi giấy phép lái xe tại Cục đường bộ

Đại diện Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp mới đây cũng cho biết đang rà soát, xem xét lại qui định này.

Cụ thể, theo Thông tư 58/2015 của Bộ GTVT, giấy phép lái xe (GPLX) bằng bản giấy phải được chuyển đổi sang GPLX mới bằng vật liệu PET, quá thời hạn chuyển đổi sẽ phải thi sát hạch lại. Thời hạn chuyển đổi với GPLX ô tô và GPLX hạng A4 trước ngày 31.12.2016. GPLX không thời hạn với xe máy (các bằng A1, A2, A3) lộ trình chuyển đổi dài hơn đến ngày 31.12.2020. Sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi (với ô tô là tháng 6.2017), người có GPLX bằng giấy phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại GPLX.

Đổi để kiểm soát dễ hơn ?

Lý giải việc đưa ra mốc cụ thể cho lộ trình chuyển đổi này, trong khi GPLX xe máy được gia hạn tới năm 2020 thì với ô tô chỉ đến tháng 6.2017, ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Phương tiện người lái, Tổng cục Đường bộ VN, cho rằng “đây là lộ trình Bộ GTVT đưa ra từ năm 2014 và đã được lùi thời hạn nhiều lần”. “Cơ quan quản lý cũng đã tạo điều kiện giãn lộ trình cho người dân chuyển đổi GPLX. Lộ trình chuyển đổi sang bằng PET với xe máy dài hơn vì lượng xe máy trên cả nước rất lớn, trên 40 triệu bằng lái, nên bắt buộc phải chia lộ trình ra nhiều lần tùy thời điểm cấp bằng trước đây. Với ô tô thì lượng GPLX ít hơn, cần quản lý chặt chẽ hơn nên lộ trình chuyển đổi ngắn hơn”, ông Quân nói.

Trả lời câu hỏi rất nhiều GPLX còn thời hạn tại sao vẫn phải chuyển đổi, theo ông Quân đây là quy định của cơ quan quản lý nhà nước nhằm xây dựng hệ thống dữ liệu GPLX tạo điều kiện cho cả người dân và cơ quan tuần tra kiểm soát, tra cứu thông tin tốt hơn khi có sự cố, doanh nghiệp có thể quản lý khai thác dễ dàng hơn. “Cơ quan quản lý đã tạo điều kiện là lùi thời hạn nhiều lần, quy định đưa ra thì phải tuân thủ theo, không thể thỏa đáng cho nguyện vọng của tất cả mọi người được”, ông Quân cho hay.

Không thể ép dân

Anh D.M.H (Hà Đông, Hà Nội) cho biết đã phải chen lấn nộp hồ sơ khi đi đổi GPLX tại Sở GTVT Hà Nội vào tháng 9.2016. “8 giờ sáng, tôi đến địa điểm đổi GPLX tại Hà Đông thì đã thấy đông đúc, muốn chen vào xin cái đơn nhưng không được nên đành về, nộp hồ sơ qua mạng thì lỗi suốt không đăng ký được, cho số GPLX vào thì ra tên người khác. Công cuộc bắt buộc phải đổi GPLX trước tháng 1.2017 có vẻ vất vả quá”, anh H. nói và cho biết nhiều người vì không có thời gian xếp hàng lâu đã phải đi làm dịch vụ qua “cò” để tiết kiệm thời gian.

Còn theo anh B.N.H (Nam Từ Liêm, Hà Nội), anh mới có bằng lái được hơn 3 năm, thời hạn vẫn còn hơn 6 năm đã phải chuyển đổi sang bằng PET. “Vừa mất chi phí khi cấp bằng mới chưa sử dụng được bao lâu, bằng cũ của tôi còn thời hạn rất nhiều, giờ lại phải mất phí để đổi sang bằng PET thì vô lý quá”, anh H. nói.

Không chỉ người dân bức xúc về việc đổi bằng lái, nhiều chuyên gia cũng cho rằng quy định thời hạn bắt buộc phải đổi bằng vừa làm khó dân, vừa gây lãng phí. Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Hội Luật gia TP.HCM, quy định người dân khi đủ điều kiện về sức khỏe và thi sát hạch đạt tiêu chuẩn mới được cấp GPLX, thì phải được quyền sử dụng GPLX đó khi vẫn còn thời hạn. “Tại Úc còn có quy định nếu người dân trong 20 năm không bị xử phạt các lỗi vi phạm giao thông nào sẽ được phát bằng vàng, được nhiều ưu tiên khi tham gia giao thông. Sao chúng ta không học những quy định tiến bộ, tích cực và hỗ trợ người dân mà lại có nhiều quy định lãng phí”, luật sư Hậu nhìn nhận. Theo ông Hậu, lệ phí cấp đổi lại bằng tuy không quá lớn (135.000 đồng), nhưng với hàng triệu GPLX còn thời hạn thì rất lãng phí, kể cả về mặt tài chính cũng như thời gian người dân phải đi chuyển đổi.

Chưa hết, luật sư Hậu phân tích: “Quy định chỉ vì không đổi GPLX khi quá thời hạn, mà bắt người dân phải thi sát hạch lại lý thuyết mới được cấp đổi là việc rất vô lý, vì việc không đổi lại GPLX không vi phạm điều luật nào. Nếu nói việc chuyển đổi sang bằng PET để xây dựng cơ sở dữ liệu dễ quản lý hơn thì phải đặt câu hỏi về cơ sở dữ liệu trước đây. Không lẽ trước đây khi cấp GPLX không được nhập vào hệ thống quản lý, hay cơ sở dữ liệu cũ đã mất rồi nên phải đổi sang bằng PET mới chuyển được cơ sở dữ liệu mới để quản lý. Không có điều luật nào quy định không đổi bằng phải thi lại hay bắt buộc người dân phải đổi bằng theo thời hạn. Quyền con người và quyền công dân chỉ hạn chế theo luật định, nhưng quy định về việc đổi bằng không nằm trong điều luật nào”.

Chia sẻ kinh nghiệm từ các nước phát triển, TS Nguyễn Minh Đồng, Việt kiều Đức, người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực giao thông, cho biết trước đây GPLX ô tô của Đức không có thời hạn (gần đây có thời hạn là 15 năm). “Khi chuyển đổi sang bằng PET, nhà chức trách không đưa ra thời hạn, người dân được tự chuyển đổi theo nhu cầu sử dụng, khi bằng cũ đã hỏng, rách... Bản thân người dân thấy bằng mới có nhiều tiện dụng thì sẽ tự chuyển đổi, không phải bắt buộc bằng quy định hành chính ép dân”, ông Đồng nói.

Quy định chỉ vì không đổi GPLX khi quá thời hạn, mà bắt người dân phải thi sát hạch lại lý thuyết mới được cấp đổi là việc rất vô lý, vì việc không đổi lại GPLX không vi phạm điều luật nào.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Hội Luật gia TP.HCM

Nếu buộc  thì cần miễn phí

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, việc đổi GPLX sang bằng PET nên thực hiện theo nhu cầu tự nguyện của người dân, cũng như khi hết thời hạn mới cần thiết chuyển đổi. “Việc quy định bắt buộc phải chuyển đổi khi thời hạn sử dụng vẫn còn là hành dân chứ không phải phục vụ cho dân, đi ngược lại chủ trương của Chính phủ trong cải cách thủ tục hành chính. Câu chuyện này tương tự với việc đổi thẻ căn cước, đã phải xem xét điều chỉnh lại, ngành giao thông cũng nên xem xét điều chỉnh”, ông Hậu nhìn nhận.

Tương tự, TS Nguyễn Minh Đồng cho rằng việc đổi GPLX chỉ nên thực hiện khi GPLX hiện có đã hết hạn sử dụng, khi đó để cấp đổi GPLX mới người dân sẽ nộp lệ phí cấp đổi theo quy định. “Việc bắt buộc người dân phải bỏ tiền đi đổi GPLX dù còn thời hạn là vô lý, nếu bắt buộc phải đổi khi vẫn còn hạn thì phải đổi miễn phí cho người dân. Còn nếu muốn thu lệ phí thì chỉ được thu khi cấp đổi mới với bằng lái đã hết hạn”, ông Đồng chia sẻ.

Mai Hà

Theo Thanh niên

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,319

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]