Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên thảo luận.
Rất đồng tình phải hỗ trợ doanh nghiệp nhưng quy định của luật không hợp lý, khó khả thi, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc góp ý dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chiều 9/1, thảo luận về dự án luật này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn rất nhiều băn khoăn.
Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ hai nhiều ý kiến còn băn khoăn về tính khả thi, tính kịp thời của dự án luật. Vì luật giao Chính phủ quy định quá nhiều nội dung hoặc phải sửa các luật có liên quan và phải mất nhiều năm mới có thể hoàn tất để luật này đi vào cuộc sống.
Nhiều vị đại biểu đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng, chỉ thông qua khi dự án luật có tính khả thi cao, cân nhắc tiếp tục trình Quốc hội xem xét ở kỳ họp thứ 3 và thông qua vào kỳ họp thứ 4.
Liên quan đến hỗ trợ tín dụng, đa số ý kiến cho rằng cần có cơ chế mạnh hơn để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn vì nội dung dự thảo luật còn chung chung, chưa khuyến khích được các ngân hàng thương mại cho vay vốn, khó khả thi trong thực tế.
Ngân hàng cũng là đi doanh nghiệp, cũng là đi vay về để cho vay nếu quy định cho vay thấp hơn mức trung bình liệu họ có chịu nổi không? Quy định của dự luật nghe thì rất hay nhưng điều kiện hỗ trợ không hợp lý, không khả thi, ông Phúc nhận xét.
Nói thì hay làm thì khó còn là nhận xét của ông Phúc đối với không ít nội dung khác của luật.
Chẳng hạn, luật quy định các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tuỳ theo điều kiện ngân sách nhưng đa số các tỉnh đang nhận tiền từ Trung ương thì lấy đâu ra nguồn mà hỗ trợ.
Hay, theo luật thì gói thầu xây lắp có giá gói thầu không quá 5 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tham gia đấu thầu. Gói thầu mua sắm hàng hoá có giá gói thầu không quá 3 tỷ đồng chỉ cho phép nhà thầu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tham gia đấu thầu.
Ông Phúc cho rằng nói thế cho oai chứ gói thầu dăm ba tỷ thì chả doanh nghiệp lớn nào tham gia đấu thầu làm gì. Nhưng nếu luật hoá quy định đó thì lại không phù hợp với cơ chế thị trường.
Cũng quan ngại nhất tính khả thi, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng cần thảo luận thêm đây là luật nội dung hay luật hình thức.
Nếu chỉ là luật hình thức thì không có tác dụng gì nhiều, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định bình luận.
Đề nghị viết lại dự thảo luật, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý cần nghiên cứu kỹ theo tinh thần không được đụng đến những luật đang là rường cột cơ bản của nền kinh tế như các luật về ngân sách, thuế, đất đai...
Gói lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh quá trình hoàn thiện dự thảo luật tới đây cần hết sức thận trọng để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và nhất là phải đảm bảo tính khả thi. Sau đó dự thảo luật sẽ được thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hôi chuyên trách trước khi tiếp tục trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba vào giữa năm nay.
Nguyễn Lê
Theo VnEconomy