Bế tắc khi xác định hiệu lực Thông tư liên tịch theo Luật mới?

27/02/2017 10:16 AM

Từ ngày 01/7/2016, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (Luật ban hành VBQPPL 2015) bắt đầu có hiệu lực thi hành, kể từ đó câu chuyện xác định tình trạng hiệu lực của các Thông tư liên tịch hướng dẫn chi tiết cho Nghị định (đã hết hiệu lực) gặp nhiều khó khăn.

Thông tư liên tịch 63/2013/TTLT-BTC-BTNMT hướng dẫn Nghị định 25/2013/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải do Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành có còn hiệu lực hay không khi Nghị định 25/2013/NĐ-CP đã hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017?

Thông tư liên tịch

Hiện nay, có hai nhóm quan điểm chính về việc xác định tình trạng hiệu lực của các Thông tư liên tịch hướng dẫn cho các Nghị định (hết hiệu lực) như sau:

Quan điểm 1: Một số Thông tư liên tịch hướng dẫn cho Nghị định (hết hiệu lực) vẫn còn hiệu lực

Theo Khoản 4 Điều 154, về cơ bản một văn bản đã hết hiệu lực thì văn bản hướng dẫn chi tiết nó đồng thời hết hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 172 của Luật ban hành VBQPPL 2015.

Khoản 2 Điều 172 quy định: “Thông tư liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chỉ thị của UBND các cấp là VBQPPL được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thì tiếp tục có hiệu lực cho đến khi có văn bản bãi bỏ hoặc bị thay thế bằng VBQPPL khác”.

Như vậy, nếu các văn bản thuộc Khoản 2 Điều 172 hướng dẫn cho một văn bản đã hết hiệu lực thì nó vẫn còn hiệu lực thi hành cho đến khi có văn bản mới chỉ định nó hết hiệu lực.

Mặt khác, Khoản 4 Điều 154, quy định: “VBQPPL hết hiệu lực thì VBQPPL quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực” chỉ áp dụng đối với các VBQPPL theo Luật ban hành VBQPPL 2015 và không áp dụng đối với Thông tư liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chỉ thị của UBND các cấp là VBQPPL được ban hành trước ngày 01/7/2016 nên các Thông tư liên tịch của các bộ, cơ quan ngang bộ dù hướng dẫn cho Nghị định (hết hiệu lực) thì nó vẫn còn hiệu lực cho đến khi có văn bản mới chỉ định nó hết hiệu lực.

Còn những Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nếu hướng dẫn chi tiết thi hành cho một văn bản đã hết hiệu lực thì nó sẽ hết hiệu lực.

Quan điểm 2: Mọi Thông tư liên tịch hướng dẫn cho Nghị định (hết hiệu lực) thì hết hiệu lực

Tinh thần chủ đạo của Quốc hội là làm hệ thống văn bản QPPL được logic, tinh gọn và thống nhất, nên tại Khoản 4 Điều 154 quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”.

Với quy định này, có thể hiểu một khi văn bản “mẹ” hết hiệu lực thì văn bản “con” đồng thời hết hiệu lực. Như vậy, các Thông tư liên tịch hướng dẫn cho một văn bản hết hiệu lực thì hết hiệu lực.

Việc Khoản 2 Điều 172 quy định: “Thông tư liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chỉ thị của UBND các cấp là VBQPPL được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thì tiếp tục có hiệu lực cho đến khi có văn bản bãi bỏ hoặc bị thay thế bằng VBQPPL khác” không phải là quy định ngoại lệ để duy trì tính hiệu lực cho những Thông tư liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chỉ thị của UBND cấp tỉnh trong trường hợp nó hướng dẫn thi hành cho văn bản đã hết hiệu lực mà là để làm rõ “Theo Luật cũ thì những văn bản này là VBQPPL, theo Luật mới thì VBQPPL không còn các loại này; nên trong thời gian chờ đợi VBQPPL theo Luật mới ra đời để bãi bỏ, thay thế cho những văn bản đó thì nó vẫn còn hiệu lực thi hành”. Điều đó có nghĩa là:

- Thông tư liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chỉ thị của UBND cấp tỉnh là VBQPPL trước ngày 01/7/2016 vẫn còn hiệu lực thi hành cho đến khi có văn bản chỉ định nó hết hiệu lực nếu nó thuộc một trong các trường hợp sau:

+ VBQPPL đó được ban hành theo thẩm quyền (không hướng dẫn bất kỳ văn bản nào).

+ VBQPPL đó ban hành để hướng dẫn chi tiết một văn bản và văn bản này còn hiệu lực thi hành.

- Thông tư liên tịch giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, chỉ thị của UBND cấp tỉnh là VBQPPL trước ngày 01/7/2016 sẽ hết hiệu lực nếu nó hướng dẫn thi hành cho một văn bản đã hết hiệu lực.

Cùng một vấn đề nhưng có hai cách hiểu khác nhau như trên nên thực tế việc xác định hiệu lực, áp dụng pháp luật đối với Thông tư liên tịch nói riêng và các văn bản QPPL khác nói chung cực kỳ khó khăn. Rất mong, Bộ Tư pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành văn bản để việc áp dụng pháp luật diễn ra một cách thống nhất và hiệu quả.

Thanh Hữu

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 19,638

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]