Thiệt thòi sau khi sinh con

30/05/2017 09:53 AM

Doanh nghiệp lấy mất việc làm của lao động nữ sau thời gian thai sản một cách hợp pháp chỉ vì các quy định "tiền hậu bất nhất" của pháp luật lao động

Điều 158 Bộ Luật Lao động (BLLĐ) về bảo đảm việc làm cho lao động nữ (LĐN) nghỉ thai sản có quy định: "LĐN được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian theo quy định; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản". Điều này đã gây thiệt thòi cho một số LĐN khi bị doanh nghiệp (DN) điều chuyển sang làm công việc trái với hợp đồng lao động (HĐLĐ) đã giao kết.

Vô tư điều chuyển

Khiếu nại với các cơ quan chức năng mới đây, chị Trần Hứa Thảo Nguyên, nhân viên Công ty V.M (quận Bình Tân, TP HCM), cho biết chị ký HĐLĐ từ năm 2014 với chức danh nhân viên thiết kế. Ngày 24-10-2016, chị nghỉ hưởng chế độ thai sản và đi làm lại từ ngày 24-4-2017. Tuy nhiên, khi trở lại làm việc, lấy lý do công việc cũ của chị không còn vì đã có người thay thế, công ty chuyển chị sang làm nhân viên bao bì, mức lương không thay đổi.

Thai sản

Nghỉ thai sản xong bị mất việc đã làm là điều khiến nhiều lao động nữ lo lắng

Không đồng ý với quyết định điều chuyển, chị Nguyên đã khiếu nại đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Bình Tân, TP HCM. Tại đây, các hòa giải viên cho rằng công ty làm đúng quy định và động viên chị quay trở lại làm việc. Song sau đó, công ty lại đề nghị thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ với chị. "Do phát sinh tranh chấp, mối quan hệ giữa tôi và công ty không còn tốt đẹp, hơn nữa vì không thể chấp nhận làm việc trái chuyên môn nên tôi đành đồng ý đưa đơn nghỉ việc" - chị Nguyên nói.

Cũng lâm vào cảnh mất việc làm cũ sau khi nghỉ sinh con là chị Thân Thị Hằng, vốn là kế toán của Công ty B.C (quận Thủ Đức, TP HCM) từ năm 2010, hưởng lương 7,5 triệu đồng/tháng. Đầu tháng 9-2016, chị xin nghỉ chế độ thai sản. Theo quy định, đầu tháng 3-2017, chị phải trở lại làm việc nhưng vì sức khỏe đứa trẻ không tốt, lại chưa tìm được người chăm sóc nên chị xin nghỉ thêm 2 tháng không lương.

Ngày 4-5-2017, khi đi làm trở lại thì vị trí của chị đã có người khác. Theo giải thích của giám đốc thì do chị nghỉ quá lâu nên phải kiếm người thay thế. Hiện công ty cũng đã ký HĐLĐ với nhân viên mới, không thể bố trí công việc cũ cho chị nên chuyển chị sang làm thư ký văn phòng, hưởng lương 6 triệu đồng/tháng. Sau khi chị Hằng gửi đơn khiếu nại thì công ty chỉ chấp nhận điều chỉnh lương lên mức 7,5 triệu đồng/tháng chứ không bố trí công việc cũ cho chị và cho rằng công ty đã làm đúng luật.

Lỗi tại luật!

Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, nhìn nhận BLLĐ hiện hành vốn được cho là rất nhân văn khi có hẳn 1 chương về LĐN với nhiều quy định bảo vệ quyền lợi cho LĐN trong thời gian mang thai và nuôi con nhỏ. Tuy nhiên, chỉ vì một quy định thiếu chặt chẽ của luật đã bị DN "tận dụng" để gây thiệt thòi cho người lao động (NLĐ). Điều này dẫn đến tình trạng nhiều LĐN không dám nghỉ hết thời gian thai sản vì sợ mất việc khiến sức khỏe của họ không được bảo đảm và trẻ nhỏ bị thiệt thòi vì xa mẹ quá sớm.

Đáng nói là quy định tại điều 158 lại mâu thuẫn với điều 31 của chính BLLĐ về chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ. Theo đó, người sử dụng lao động chỉ được quyền tạm thời chuyển NLĐ làm công việc khác so với HĐLĐ nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong 1 năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của NLĐ. "Từ những thực tế ấy đã dẫn đến một thực trạng đáng buồn là người được bảo vệ bị đối xử bất công hơn so với những lao động bình thường khác" - ông Triều nhận định.

Quy định tréo ngoe

Luật sư Nguyễn Văn Phúc, Đoàn Luật sư TP HCM, chỉ ra một nghịch lý khác. Đó là BLLĐ thì cho phép DN bố trí công việc khác cho LĐN nếu sau thời gian nghỉ thai sản, công việc cũ không còn song theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP thì trường hợp người sử dụng lao động có hành vi không bảo đảm việc làm cũ khi LĐN trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ thai sản sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. "Những quy định tréo ngoe của luật không chỉ khiến NLĐ, DN gặp khó trong quá trình thực hiện mà giới luật sư chúng tôi nhiều lúc cũng chẳng biết đâu mà lần. Hy vọng lần sửa đổi BLLĐ tới, các nhà làm luật sẽ rà soát, sửa đổi để tránh gây ra những tranh chấp không đáng có trong quá trình thực thi" - luật sư Phúc kiến nghị.

Mai Chi

Theo Người lao động

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,511

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]