Hiểu thế nào về tình tiết tăng nặng để định khung hình phạt trong BLHS?

11/07/2017 15:34 PM

Tình tiết tăng nặng được sử dụng để xác định khung hình phạt cho một tội phạm, dựa trên đó Tòa án, Viện kiểm sát, Luật sư… có thể xác định được mức độ nặng nhẹ cho hành vi phạm tội của bị cáo. Vậy để xác định tình tiết tăng nặng đó, cần dựa trên những yếu tố nào?

1. Phạm tội có tổ chức

Là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

2. Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp

Chỉ áp dụng tình tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:

- Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích;

- Người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.

(Mục 5 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP)

3. Phạm tội có tính chất côn đồ

Có tính chất côn đồ là hành động của những tên coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng dùng vũ lực và thích (hay) dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người. Hành động của chúng thường là xâm phạm sức khoẻ, tính mạng, danh dự người khác, gây gổ hành hung người khác một cách vô cớ hoặc vì một duyên cớ nhỏ nhặt.

(Theo Công văn số 38/NCPL ngày 6/01/1976 của Tòa án nhân dân tối cao)

Tình tiết tăng nặng

4. Phạm tội vì động cơ đê hèn

Hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể thế nào là phạm tội có động cơ đê hèn, tuy nhiên trước đây Nghị quyết 04/HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao có hướng dẫn hành vi giết người vì động cơ đê hèn như sau:

Giết người vì động cơ đê hèn như giết người vì tính ích kỷ cao, phản trắc, bội bạc (ví dụ: giết người để cướp vợ hoặc chồng của nạn nhân; giết tình nhân đã có thai với mình để trốn tránh trách nhiệm; giết người đã cho vay, giúp đỡ khắc phục khó khăn, hoạn nạn nhằm trốn nợ...)

5. Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng

Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng, là quyết tâm thực hiện ý định phạm tội của mình, mặc dù có sự can ngăn của người khác hoặc có những cản trở khác trong quá trình thực hiện tội phạm. Thể hiện sự quyết tâm phạm tội cao, thực hiện bằng được tội phạm.

6. Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm

Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

Tái phạm trong những trường hợp sau được xem là tái phạm nguy hiểm:

- Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

- Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.

(Điều 53 Bộ luật hình sự 2015)

7. Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai, người đủ 70 tuổi trở lên

"Phụ nữ có thai" được xác định bằng cách chứng cứ chứng minh là người phụ nữ đó đang mang thai, như: bị cáo và mọi người đều nhìn thấy được hoặc bị cáo nghe được, biết được từ các nguồn thông tin khác nhau về người phụ nữ đó đang mang thai. Trong trường hợp thực tế khó nhận biết được người phụ nữ đó đang mang thai hay không hoặc giữa lời khai của bị cáo và người bị hại về việc này có mâu thuẫn với nhau thì để xác định người phụ nữ đó có thai hay không phải căn cứ vào kết luận của cơ quan chuyên môn y tế hoặc kết luận giám định.

(Mục 2.3 Nghị quyết 01/2006/NQ-HĐTP)

8. Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác để phạm tội

Dùng thủ đoạn xảo quyệt trong khi phạm tội, là người phạm tội có những mánh khoé, cách thức gian dối, thâm hiểm làm cho người bị hại hoặc những người khác khó lường thấy được để đề phòng. Ví dụ: giả vờ nấu hộ cơm, múc hộ nước để bỏ thuốc độc vào cơm, vào nước để nạn nhân ăn cơm hoặc uống nước đó, hoặc giả vờ âu yếm người vợ hoặc tình nhân rồi bóp cổ nạn nhân chết v.v..

Dùng thủ đoạn tàn ác trong khi phạm tội, là người phạm tội có những mánh khoé, cách thức độc ác một cách tàn nhẫn, hoặc gây tác hại cho hàng loạt người không chút thương xót như: tra tấn cho tới chết; giết người bằng cách mổ bụng, moi gan, khoét mắt, cắt cổ hoặc bắn vào chỗ đông người, ném lựu đạn vào nơi mọi người trong gia đình đang quây quần bên mâm cơm….

(Theo ThS. Đinh Văn Quế)

9. Dùng hung khí nguy hiểm

Là trường hợp dùng vũ khí hoặc phương tiện nguy hiểm

- “Vũ khí” là một trong các loại vũ khí được quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Nghị định số 47/CP ngày 12/8/1996.

+ Vũ khí quân dụng gồm: các loại súng ngắn, súng trường, súng liên thành; các loại pháo, dàn phóng, bệ phóng tên lửa, súng cối, hoá chất độc và nguồn phóng xạ các loại đạn; bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thuỷ lôi, vật liệu nổ quân dụng, hoả cụ và vũ khí khác dùng cho mục đích quốc phòng - an ninh.

+ Vũ khí thể thao gồm: các loại súng trường, súng ngắn thể theo chuyên dùng các cỡ; các loại súng hơi, các loại vũ khí khác dùng trong luyện tập, thi đấu thể thao và các loại đạn dùng cho các loại súng thể thao nói trên.

+ Súng săn gồm: Các loại súng săn một nòng, nhiều nòng các cỡ, tự động hoặc không tự động, súng hơi các cỡ, súng kíp, sung hoả mai, súng tự chế và các loại đạn, vỏ đạn, hạt nổ, thuốc đạn dùng cho các loại súng kể trên.

+ Vũ khí thô sơ gồm: Dao găm, kiếm, giáo, mác, đinh ba, đại đao, mã tấu, quả đấm bằng kim loại hoặc chất cứng, cung, nỏ, côn các loại và các loại khác do Bộ Nội vụ quy định.

- “Phương tiện nguy hiểm” là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công.

Hân Nguyễn

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 34,135

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]