Để phần nào giúp NLĐ hiểu rõ về vấn đề nêu trên nhằm đảm bảo được quyền lợi chính đáng của mình; nay, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT chia sẻ một số nội dung này theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thứ nhất, kế toán của Công ty phải có trách nhiệm phân bổ các khoản thu nhập, phụ cấp, trợ cấp… của NLĐ một cách đúng luật, đúng thực tế để đảm bảo được quyền lợi chính đáng của NLĐ. Mọi khoản phụ cấp, trợ cấp của NLĐ mà kế toán đều đưa vào một khoản thu nhập duy nhất (tiền lương) là việc làm gây thiệt hại cho NLĐ.
Thứ hai, theo quy định của pháp luật hiện hành thì nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp sẽ được trừ trước khi tính thuế TNCN. Bởi vậy, kế toán cần phải phân bổ thu nhập của NLĐ đúng với thực tế và quy định của pháp luật để đảm bảo lợi ích tối đa của NLĐ. Sau đây, là đơn cử các khoản được trừ tiêu biểu (hầu như ở doanh nghiệp nào cũng có):
- Phụ cấp công tác phí: Nếu doanh nghiệp có khoản phụ cấp cho NLĐ đi công tác thì khoản tiền này NLĐ không phải đóng thuế TNCN (Doanh nghiệp cần phải có quy chế rõ ràng, theo đó quy định rõ điều kiện được hưởng và mức hưởng tiền phụ cấp công tác phí). Nội dung này được quy định tại Khoản 2.9 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC.
- Tiền phụ cấp điện thoại: Hiện tại, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ về vấn đề này, chỉ quy định các khoản phụ cấp phải ghi rõ điều kiện được hưởng và mức hưởng trong hợp đồng lao động hoặc quy chế của Công ty (Doanh nghiệp quy định phụ cấp tiền điện thoại bao nhiêu thì được miễn tiền thuế TNCN bấy nhiêu).
- Tiền phụ cấp trang phục: Không quá 5.000.000 đồng/người/năm (Xem thêm Khoản 2.7 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC).
- Tiền ăn giữa ca: Không quá 730.000 đồng/người/tháng (Xem thêm Khoản 4 Điều 25 Thông tư 27/2016/TT-BLĐTBXH).
Ngoài ra, còn có nhiều khoản trợ cấp, phụ cấp khác không phải đóng thuế TNCN.
Xem thêm tại bài viết 45 khoản phụ cấp, trợ cấp không chịu thuế thu nhập cá nhân.
Thanh Hữu