Vi bằng thừa phát lại không có giá trị như công chứng

24/01/2018 15:29 PM

Đó là lưu ý của ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng Bổ trợ Sở Tư pháp TP.HCM, tại hội nghị tuyên truyền luật về hoạt động thừa phát lại trên địa bàn huyện Hóc Môn, sáng 23-1.

Hội nghị này do Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật (gọi tắt là hội đồng) huyện Hóc Môn(TP.HCM) tổ chức.

Ông Phan Thanh Tùng, Trưởng Phòng bổ trợ tư pháp –Sở Tư pháp TP.HCM là báo cáo viên của hội nghị. Ảnh: K.P

Tham dự hội nghị có hơn 300 đại biểu là đại diện lãnh đạo HĐND huyện, Ban Tuyên giáo huyện ủy, Ủy ban MTTQVN huyện và các đoàn thể chính trị-xã hội, các phòng ban chuyên môn huyện, đại diện lãnh đạo HĐND, MTTQ, công chức tư pháp-hộ tịch, địa chính-xây dựng, công an viên các xã-thị trấn trên địa bàn huyện.

Ngoài ra còn có các tuyên truyền viên pháp luật các xã-thị trấn, ban nhân dân ấp-ban điều hành khu phố, tổ nhân dân- tổ dân phố...

Ông Phan Thanh Tùng, Trưởng Phòng bổ trợ tư pháp-Sở Tư pháp TP.HCM, là báo cáo viên của hội nghị. Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến các quy định về chế định và hoạt động thừa phát lại thì hội nghị này đặc biệt thông tin về giá trị pháp lý của việc lập vi bằng nhằm tránh tình trạng ngộ nhận vi bằng có giá trị tương tự văn bản công chứng, chứng thực.

Hội nghị tập trung làm rõ nội dung vi bằng là gì? Thừa phát lại là ai và những việc mà thừa phát lại được làm, không được làm, giá trị của vi bằng...

Các đại biểu tham gia hội nghị

Ông Tùng cũng lưu ý người dân khi làm thủ tục chuyển nhượng liên quan đến nhà, đất phải tuân thủ theo Luật Nhà ở, Luật Đất đai.

Cụ thể là khi mua bán, chuyển nhượng nhà đất phải được lập thành văn bản (hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất) có công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (ví dụ: Phòng Công chứng, Văn phòng Công chứng…). Sau đó, đăng ký trước bạ, sang tên (đăng ký biến động) cho bên mua tại văn phòng đăng ký đất đai quận, huyện…

Trong khi đó, vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, cụ thể là ghi nhận có việc giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ, nhà đất giữa các bên nên vi bằng không có giá trị thay thế văn bản (hợp đồng) công chứng, chứng thực.

Tức là vi bằng không phải là cơ sở để thực hiện sang tên đổi chủ cho bên mua. Vi bằng do thừa phát lại lập chỉ có giá trị chứng cứ trước tòa án và các quan hệ pháp lý khác. Vi bằng dùng để chứng minh việc các bên đã giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ, nhà đất... làm cơ sở để các bên tiếp tục thực hiện hợp đồng, hoàn thiện hợp đồng theo quy định của pháp luật, hoặc là cơ sở để giải quyết khi có tranh chấp xảy ra.

Lưu ý khi giao dịch bất động sản              

Người dân có nhu cầu giao dịch hoặc thực hiện thủ tục hành chính về bất động sản cần liên hệ UBND xã – thị trấn nơi có bất động sản cần giao dịch hoặc UBND huyện (Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, Phòng Quản lý đô thị huyện) để tìm hiểu kỹ thông tin và thực hiện đúng quy định của Luật Nhà ở, Luật Đất đai tránh tình trạng bị lừa gạt, phát sinh tranh chấp sau này. (Trích tờ gấp tuyên truyền về Thừa phát lại của Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật huyện Hóc Môn, TP.HCM)

KIM PHỤNG

Theo Báo Pháp luật Tp.HCM

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 9,698

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]