Thế nào là Phòng vệ chính đáng và vượt quá phòng vệ chính đáng
Theo định nghĩa tại Bộ luật hình sự (BLHS) năm 1999 và 2015, Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Tại Nghị quyết 02-HĐTP-TANDTC/QĐ năm 1986 có hướng dẫn Hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác được coi là phòng vệ chính đáng khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Hành vi xâm hại những lợi ích cần phải bảo vệ là hành vi phạm tội hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm cho xã hội.
- Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ.
- Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công, mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại.
- Hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại. Tương xứng không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ.
Trên thực tế, trong nhiều trường hợp khi cá nhân bị người khác xâm hại đến quyền lợi bao gồm cả về tài sản hoặc nhân thân thì việc có hành vi chống trả lại không phải là hiếm. Chẳng hạn khi bị một kẻ chuẩn bị hiếp dâm thì nạn nhân có thể chống trả bằng cách đánh lại hoặc sử dụng những công cụ có được ở gần bên như dao kéo…Việc chống trả này có thể sẽ gây ra thương tích cho kẻ xâm hại. Như vậy một lần nữa việc xác định thế nào là trong giới hạn phòng vệ như về loại công cụ chống trả, cường độ chống trả, mức độ gây thương tích cũng là điều cần nói…
Vần đề này Nghị quyết 02 cũng đã nêu ra: “để xem xét hành vi chống trả có tương xứng hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không, thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như:
- Khách thể cần bảo vệ (thí dụ: bảo vệ địa điểm thuộc bí mật quốc gia, bảo vệ tính mạng);
- Mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; Lợi ích bị xâm phạm càng quan trọng bao nhiêu, thì hành vi chống trả càng phải mạnh mẽ bấy nhiêu.
- Vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng; nhân thân của người xâm hại (nam, nữ; tuổi; người xâm hại là côn đồ, lưu manh…);
- Cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ; hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc (nơi vắng người, nơi đông người, đêm khuya) v.v…
- Đồng thời cũng cần phải chú ý đến yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ có khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ.
Sau khi đã xem xét một cách đầy đủ, khách quan tất cả các mặt nói trên mà nhận thấy rõ ràng là trong hoàn cảnh sự việc xảy ra, người phòng vệ đã sử dụng những phương tiện, phương pháp rõ ràng quá đáng và gây thiệt hại rõ ràng quá mức (như: gây thương tích nặng, làm chết người) đối với người có hành vi xâm hại thì coi hành vi chống trả là không tương xứng và là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Ngược lại, nếu hành vi chống trả là tương xứng thì đó là phòng vệ chính đáng”.
Khó khăn khi xác định trong thực tiễn
Chẳng hạn như vừa qua báo chí có đưa tin vụ việc một chủ nhà đã chém bị thương nặng tên trộm vì dám vào tiệm tạp hóa của ông để ăn trộm. Như vậy trong trường hợp này nạn nhân ban đầu bị xâm hại tài sản, nhưng sau đó lại gây ra tổn hại cho kẻ phạm tội về tính mạng sức khỏe thì trong trường hợp này xác định mức độ xâm hại ra sao?
Đây cũng là một trong những trường hợp khó xác định khi nào là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Trong thực tiễn xét xử, đối với những trường hợp mà bên xâm hại có hành vi xâm hại đến tài sản (trộm cắp thông thường) thì hành vi của người phòng vệ đánh bị thương kẻ tấn công được coi là tương xứng. Trên thực tế, nếu bắt gặp tên trộm đang vào trong nhà để ăn trộm thì việc đánh bị thương tên trộm là việc mà mọi người cho là bình thường. Tuy nhiên, đối với các trường hợp phạm tội trộm cắp thông thường, nếu người phòng vệ lại có hành vi giết chết hoặc gây thương tích nặng cho kẻ xâm hại thì trong thực tiễn xét xử, hành vi phòng vệ đó bị coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, trừ một số trường hợp mà hành vi trộm cắp mang tính chất nguy hiểm như: Hành vi lẻn vào lấy cắp ở một nơi được bảo vệ đặc biệt.
Như trong trường hơp trên, việc chủ nhà vốn là một người nóng tính, đã ảnh hưởng lớn đến việc quyết định hành vi chống trả, gây ra thương tật quá mức cần thiết cho tên trộm.
Kết luận
Trên thực tế, những yếu tố để xác định thế nào là trong giới hạn phòng vệ chính đáng vẫn chỉ mang tính định tính là chính, trong nhiều trường hợp vẫn chưa có cách lý giải hợp lý. Chẳng hạn như việc trộm chó, đối với nhiều người xem chó không chỉ là loài vật nuôi bình thường, mà nó như là người bạn của họ. Nên khi có trộm chó, thả bả làm con chó của họ chết thì họ rất tức giận, nói sâu xa hơn là giống như người thân trong gia đình mình mất đi, lúc đó hành vi chống trả với trộm chó của họ cực kỳ mạnh mẽ, thậm chí là giết chết cả trộm chó. Nhưng về khía cạnh khác, theo quan điểm pháp luật hiện tại con chó được xem là vật nuôi, cũng như con gà, con heo…và cũng chỉ là một loại tài sản mà thôi.
Hiện nay Nghị quyết 02 cũng đã hết hiệu lực áp dụng, nên cơ sở để xác định chỉ còn dựa vào BLHS, vì thế cũng cần nên có thêm những văn bản hướng dẫn cụ thể cho việc này.
Về phía nạn nhân, cũng nên là người sang suốt và giữ bình tĩnh khi rơi vào tình huống như trên, để tránh xảy ra những thiệt hại đáng tiếc khi tự biến mình từ việc là nạn nhân trở thành kẻ phạm tội!
Hân Nguyễn
Tham khảo:
Thực tiễn áp dụng chế định phòng vệ chính đáng và một số vấn đề đặt ra - Hồ Nguyễn Quân
Một số vấn đề phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng – Ths.Đinh Văn Quế