Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, đến nay vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào từ Trung ương đề cập một cách rõ ràng, chi tiết rằng Hiệp sĩ đường phố sẽ được hưởng những chính sách nào; mọi việc mới chỉ dừng từ chính sách hỗ trợ của từng địa phương.
Công an khám nghiệm hiện trường vụ Hiệp sĩ TP.HCM bị băng trộm đâm chết hôm 13/5/2018
Đơn cử, ngày 04/11/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định 34/2013/QĐ-UBND đề cập đến quy chế hoạt động và chính sách hỗ trợ cho các Hiệp sĩ đường phố trên địa bàn của tỉnh.
Theo đó, Hiệp sĩ đường phố được hỗ trợ xăng phục vụ công tác tuần tra; được thăm hỏi động viên, điều trị khi bị tai nạn, ốm đau do đi làm nhiệm vụ; được hỗ trợ sửa chữa phương tiện bị hư hỏng trong quá trình truy bắt tội phạm; được thưởng khi lập thành tích xuất sắc; và được nhận các hỗ trợ khác đáp ứng quy định của pháp luật hiện hành.
Trong trường hợp Hiệp sĩ đường phố trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự; dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân mà bị chết hoặc bị thương thì được xem xét hưởng chế độ chính sách liệt sĩ, thương binh theo các Điểm d, đ, e Khoản 1 Điều 17 và các Điểm đ, e Khoản 1 Điều 27 Nghị định 31/2013/NĐ-CP.
Hi vọng, ở từng địa phương cũng như Trung ương cần sớm có cơ chế, chính sách hỗ trợ các Hiệp sĩ đường phố ngày càng chu đáo hơn nhằm góp phần vào công cuộc phòng, chống tội phạm được diễn ra hiệu quả.
Thanh Hữu