Hướng dẫn chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định ATIGA (Ảnh minh họa)
Nghị định thư thứ nhất sửa đổi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) ký ngày 22/01/2019 tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 20/9/2020. Bên cạnh một số sửa đổi liên quan đến C/O mẫu D, ASEAN chính thức áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN là ASEAN Wide Self Certification (AWSC) kể từ ngày 20/9/2020.
Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 19/2020/TT-BCT ngày 14/8/2020 sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định về quy tắc xuất xứ trong Hiệp định ATIGA để hướng dẫn các cam kết trong Nghị định thư thứ nhất sửa đổi Hiệp định.
Để đảm bảo thực hiện đúng cam kết quốc tế và quy định tại Thông tư 19/2020/TT-BCT , Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện như sau:
1. Về việc ghi trị giá FOB trên chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định ATIGA:
Yêu cầu thực hiện theo đúng hướng dẫn tại Công văn 6389/TCHQ-GSQL ngày 30/9/2020 của Tổng cục Hải quan, cụ thể: đối với các C/O mẫu D được cấp từ ngày 20/9/2020 chỉ thể hiện trị giá FOB trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu từ hoặc nhập khẩu vào Campuchia, Indonesia hoặc Lào và sử dụng tiêu chí xuất xứ giá trị hàm lượng khu vực (RVC) để xác định xuất xứ hàng hóa.
Đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước ASEAN khác (Brunei, Singapore, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Myanmar, Việt Nam) không phải thể hiện trị giá FOB trên C/O. Trường hợp C/O thể hiện thêm thông tin về trị giá FOB thì việc khai báo thêm thông tin bổ sung này không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của C/O.
Việc khai trị giá FOB khi áp dụng tiêu chí RVC áp dụng tương tự đối với chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
2. Về thể thức và mẫu lời văn khai báo chứng từ tự chứng nhận xuất xứ trong ASEAN:
- Đối với chứng từ tự chứng nhận xuất xứ thực hiện dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ số 2 của ASEAN quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 19/2020/TT-BCT ngày 14/8/2020: thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 28/2015/TT-BCT ngày 20/8/2015 và khoản 7 Điều 3 Thông tư 19/2020/TT-BCT ngày 14/8/2020.
Theo đó, Mẫu lời văn khai báo trên chứng từ tự chứng nhận xuất xứ quy định tại khoản 7, Điều 3 Thông tư 19/2020/TT-BCT chỉ áp dụng cho tự chứng nhận theo dự án thí điểm tự chứng nhận xuất xứ số 2 của ASEAN, không áp dụng cho cơ chế ASWC.
- Đối với chứng từ tự chứng nhận xuất xứ thực hiện cơ chế ASWC (ASEAN Wide Self Certification) quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 19/2020/TT-BCT ngày 14/8/2020: thực hiện theo hướng dẫn về tự chứng nhận xuất xứ tại Phụ lục 1, Thông tư 19/2020/TT-BCT ngày 14/8/2020 của Bộ Công Thương.
Theo đó, thông tin tối thiểu khai báo trên chứng từ tự chứng nhận xuất xứ trong cơ chế ASWC được hướng dẫn tại khoản 3 Điều 12 Phụ lục 1 ban hành kèm Thông tư 19/2020/TT-BCT.
3. Mã số tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên cơ sở dữ liệu tự chứng nhận của ASEAN (ASWC):
- Mã quốc gia (Country Code) trong mã số cấp phép (Authorization Code) cho doanh nghiệp tự chứng nhận (Certified Exporter - CE): Điều 2, Phụ lục I, Thông tư 19/2020/TT-BCT quy định nước xuất khẩu phải cập nhật mã CE lên cơ sở dữ liệu của ASEAN. Theo thống nhất trong ASEAN, mã cấp phép sẽ bao gồm cả mã số quốc gia nước xuất khẩu. Mã quốc gia được hệ thống tự động cập nhập vào trong mã số cấp phép và được thể hiện cùng với mã CE khi khai báo trên chứng từ tự chứng nhận xuất xứ.
Tuy nhiên, trong trường hợp có lỗi khai báo về mã quốc gia thể hiện trên chứng từ thương mại thì sai sót này không ảnh hưởng đến tính hợp lệ của chứng từ chứng nhận xuất xứ với điều kiện chứng từ chứng nhận xuất xứ bao gồm các thông tin tối thiểu theo quy định.
Ví dụ: Trên cơ sở dữ liệu mã số của nhà xuất khẩu đủ điều kiện của Singapore được ký hiệu SG123456789. Trên hóa đơn thương mại mà số của nhà xuất khẩu đủ điều kiện từ Singapore chỉ khai báo mã CE là 123456789.
- Mã CE không có trong cơ sở dữ liệu CE của ASEAN: để đảm bảo thực hiện đúng cam kết và tạo thuận lợi thương mại, trong trường hợp công chức hải quan kiểm tra không thấy mã CE trên cơ sở dữ liệu CE của ASEAN, yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố gửi báo cáo về Tổng cục để tiến hành xác minh với cơ quan có liên quan.
Châu Thanh