Tổng cục Hải quan gỡ vướng về hoàn thuế với hàng xuất nhập khẩu (Ảnh minh họa)
Theo đó, giải đáp một số vướng mắc về thời hạn nộp thuế, hoàn thuế với hàng xuất nhập khẩu.
** Về hoàn thuế:
- Căn cứ quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 22 Nghị định 126/2020/NĐ-CP thì trường hợp hàng hóa nhập khẩu ở 1 cửa khẩu nhưng tái xuất ở 1 cửa khẩu khác (không cùng 1 cửa khẩu), hàng hóa xuất khẩu ở 1 cửa khẩu nhưng phải tái nhập trở lại Việt Nam ở 1 cửa khẩu khác (không cùng 1 cửa khẩu) thì hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau.
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu, tái xuất được làm thủ tục hải quan tại cùng 1 chi cục hải quan ngoài cửa khẩu thì khi xác định tiêu chí này để phân loại hồ sơ sẽ không thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau.
- Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật Quản lý thuế 2019, thì: Hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế được thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế hoặc trụ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đối chiếu với quy định trên, trường hợp hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp thuộc trường hợp kiểm tra trước hoàn thuế thì phải thực hiện kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế hoặc trụ sở của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nếu doanh nghiệp không hoạt động tại địa điểm đăng ký kinh doanh thì cơ quan hải quan không thực hiện được việc kiểm tra hoàn thuế, do đó, doanh nghiệp không đủ điều kiện để cơ quan hải quan thực hiện hoàn thuế.
**Về thời hạn nộp thuế, căn cứ quy định tại điểm b khoản 4 Điều 55, điểm b khoản 5 Điều 59 Luật Quản lý thuế 2019:
- Đối với tờ khai thuộc trường hợp nộp thuế theo khai báo để giải phóng hàng (chưa thông quan), trong thời gian chờ kết quả phân tích, giám định để xác định chính xác số tiền thuế phải nộp theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019 thì không phải tính tiền chậm nộp;
- Đối với các tờ khai không lấy mẫu phân tích, giám định thì phải nộp thuế và tiền chậm nộp (nếu có) theo quy định tại Điều 55, 59 Luật Quản lý thuế 2019.
Xem chi tiết nội dung tại Công văn 546/TCHQ-TXNK ngày 02/02/2021.
Châu Thanh