Người lao động có được làm thêm ngoài giờ không?
Theo quy định tại điểm Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 thì NLĐ có quyền tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc miễn không trái với quy định của pháp luật.
Pháp luật không cấm NLĐ làm thêm công việc khác ngoài công việc chính. NLĐ có quyền làm đồng thời nhiều công việc tại cùng một thời điểm, chỉ cần đảm bảo việc không ảnh hưởng đến công việc chính.
Ngoài ra, theo Điều 19 Bộ luật Lao động 2019 thì NLĐ có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.
Tuy nhiên, công ty có quyền cấm NLĐ đi làm thêm khi hai bên đã thống nhất thỏa thuận với nhau trong HĐLĐ điều khoản: "Người lao động không được phép làm thêm công việc có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của công việc chính".
Như vậy, còn tùy thuộc vào điều khoản trong HĐLĐ để biết mình có quyền làm thêm ngoài giờ hay không.
Nếu hợp đồng không có điều khoản quy định về viêc không được phép làm thêm nếu ảnh hưởng đến hiệu quả công việc chính thì công ty không có quyền cấm và hoàn toàn không có căn cứ để xử lý kỷ luật hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Bộ luật Lao động 2019, nếu NSDLĐ chấm dứt hợp đồng trái pháp luật với NLĐ phải có trách nhiệm sau:
“Điều 41. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết; phải trả tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong những ngày người lao động không được làm việc và phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
Sau khi được nhận lại làm việc, người lao động hoàn trả cho người sử dụng lao động các khoản tiền trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm nếu đã nhận của người sử dụng lao động.
Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước quy định tại khoản 2 Điều 36 của Bộ luật này thì phải trả một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì ngoài khoản tiền phải trả quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này để chấm dứt hợp đồng lao động.
3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý thì ngoài khoản tiền người sử dụng lao động phải trả theo quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm cho người lao động nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.”
Trung Tài