Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh và hình thức xử lý

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
21/01/2022 11:53 AM

Quảng cáo là việc không thể thiếu trong kinh doanh để đưa sản phẩm, dịch vụ đến gần hơn với khách hàng. Tuy nhiên, cũng từ đây xuất hiện hành vi quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh. Vậy pháp luật xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh như thế nào?

Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh và hình thức xử lý

Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh và hình thức xử lý (ảnh minh họa)

1. Cạnh tranh không lành mạnh là gì?

Theo khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh 2018, những yếu tố cấu thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh là:

- Hành vi của doanh nghiệp (bao gồm các chủ thể tại khoản 1 Điều 2 Luật Cạnh tranh 2018);

- Trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh;

- Đã gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.

2. Như thế nào là quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh?

Theo Điều 2 Luật Quảng cáo 2012 thì quảng cáo được xem là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi hoặc không có mục đích sinh lợi. 

Tại khoản 5 Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018 quy định hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm có tính chất quảng cáo, bao gồm:

- Hành vi đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ và những thông tin có liên quan nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác; 

- Hành vi so sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung.

Ngoài ra, khoản 12 Điều 8 Luật Quảng cáo 2012 cũng đã chỉ ra hành vi quảng cáo có chứa nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo pháp luật cạnh tranh là một trong những hành vi cấm quảng cáo.

Như vậy, có thể thấy, “quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh” được xác định khi doanh nghiệp sử dụng các phương tiện và giới thiệu đến công chúng những thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; hoặc so sánh hàng hóa, dịch vụ gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp khác.

3. Xử phạt đối với quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh

Việc quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm trong Luật Cạnh tranh 2018. Mức xử phạt hành chính đối với hành vi này được quy định tại Điều 20 Nghị định 75/2019/NĐ-CP, cụ thể:

- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với cả 02 hình thức lôi kéo khách hàng bất chính quy định tại khoản 5 Điều 45 Luật Cạnh tranh 2018.

- Phạt tiền gấp hai lần mức phạt trên đối với hành vi vi phạm tương tự trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Lưu ý: Theo khoản 7 Điều 4 Nghị định 75/2019/NĐ-CP, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi lôi kéo khách hàng bất chính nêu trên áp dụng đối với tổ chức; đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức.

4. Một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục

Hình thức xử phạt bổ sung:

- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

- Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh;

- Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc cải chính công khai;

- Loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm.

(Căn cứ Điều 20 Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong cạnh tranh)

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 19,526

Bài viết về

lĩnh vực Thương mại

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]