Chặt hạ cây xanh đô thị như thế nào thì đúng luật? (Ảnh minh họa)
Khoản 1 Điều 14 Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định cây xanh đô thị đủ điều kiện để chặt hạ khi:
- Cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm;
- Cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn;
- Cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình.
Khi đủ các điều kiện được nêu trên, đối với một vài trường hợp, việc chặt hạ cây xanh đô thị bắt buộc phải có giấy phép, cụ thể:
- Cây xanh thuộc danh mục cây bảo tồn;
- Cây bóng mát trên đường phố;
- Cây bóng mát; cây bảo tồn; cây đã được đánh số, treo biển trong công viên, vườn hoa, các khu vực công cộng và các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình;
- Cây bóng mát có chiều cao từ 10m trở lên; cây bảo tồn trong khuôn viên của các tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh các điều kiện để chặt hạ cây xanh đô thị, vì tính cấp thiết mà được miễn giấy phép chặt hạ cây, như: chặt hạ ngay cho tình thế khẩn cấp, do thiên tai hoặc cây đã chết, đã bị đổ gãy được quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định 64/2010/NĐ-CP.
Tuy nhiên, trong những trường hợp này, trước khi thực hiện việc chặt cây phải có biên bản, ảnh chụp hiện trạng và phải báo cáo lại cơ quan quản lý cây xanh đô thị chậm nhất trong vòng 10 ngày kể từ ngày thực hiện xong việc chặt cây.
Theo khoản 9 Điều 14 Nghị định 64/2010/NĐ-CP thì các tổ chức, cá nhân có nhu cầu chính đáng về chặt hạ cây xanh đô thị ngoài việc tuân thủ các quy định tại Điều 14 Nghị định 64/2010/NĐ-CP còn phải có trách nhiệm đền bù giá trị cây, chịu mọi chi phí cho việc chặt hạ cây xanh đô thị.
Như vậy, cá nhân có thể chặt hạ cây xanh nếu cây đó thuộc trường hợp được miễn giấy phép chặt hạ và cá nhân phải chứng minh điều này.
Nếu cá nhân thực hiện việc chặt cây xanh đô thị mà không thuộc trường hợp miễn giấy phép chặt hạ thì sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi tự ý chặt hạ cây xanh đô thị mà chưa được cấp phép (theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Nghị định 16/2022/NĐ-CP).
Thu Trang