Chế độ thai sản đối với lao động nữ sẩy thai

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
26/02/2022 14:59 PM

Người lao động nữ tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng chế độ thai sản theo quy định. Vậy trong trường hợp lao động nữ không may bị sẩy thai thì có được nghỉ và hưởng chế độ dưỡng sức sau sẩy thai hay không?

Chế độ thai sản đối với lao động nữ sẩy thai

Chế độ thai sản đối với lao động nữ sẩy thai (Ảnh minh họa)

1. Lao động nữ bị sẩy thai có được hưởng chế độ thai sản không?

Lao động nữ có tham gia bảo hiểm xã hội, đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản của bảo hiểm xã hội mà khi mang thai không may bị sẩy thai thì theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động bị sẩy thai sẽ được hưởng  được nghỉ việc hưởng chế độ sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý.

(Xem thêm Điều kiện hưởng chế độ thai sản TẠI ĐÂY)

2. Thời gian hưởng chế độ sẩy thai của lao động nữ

Theo Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản,  thời gian người lao động sẩy thai được nghỉ việc quy định như sau:

- 10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi;

- 20 ngày nếu thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi;

- 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi;

- 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trên bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

3. Mức hưởng chế độ sẩy thai của lao động nữ

Theo điểm c khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ được hưởng chế độ sảy thai như sau:

Mức hưởng

=

100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 06 tháng trước

: 30 ngày

x Số ngày nghỉ

Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ nghỉ sẩy thai là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.

4. Giải quyết hưởng chế độ thai sản với lao động nữ sẩy thai

Theo Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 14 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH (sửa đổi bởi Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH), cách thức giải quyết hưởng chế độ thai sản với lao động nữ sẩy thai như sau:

- Hồ sơ hưởng chế độ thai sản với lao động nữ sẩy thai bao gồm:

+ Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với trường hợp điều trị ngoại trú, bản chính hoặc bản sao giấy ra viện đối với trường hợp điều trị nội trú;

+ Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản do người sử dụng lao động lập.

- Người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ theo quy định cho người sử dụng lao động nhưng không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.

- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

- Trách nhiệm giải quyết của cơ quan bảo hiểm xã hội:

+ Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người sử dụng lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động;

+ Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định từ người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi, cơ quan bảo hiểm xã hội phải giải quyết và tổ chức chi trả cho người lao động.

Trường hợp cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

>>> Xem thêm: Bị sẩy thai có được hưởng bảo hiểm xã hội theo chế độ thai sản không? Người bị sẩy thai được nghỉ làm trong thời gian bao lâu?

Lao động nữ sẩy thai có được nghỉ dưỡng sức theo chỉ định của bác sĩ? Công ty hay cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền quyết định số ngày nghỉ dưỡng sức?

Người sử dụng lao động có được yêu cầu lao động nữ mang thai làm việc ban đêm không? Vi phạm quy định về sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm bị xử lý như thế nào?

Nhật Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 38,399

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]