Phân biệt, miệt thị vùng miền có vi phạm pháp luật?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
16/04/2022 13:55 PM

Hiện nay, hành vi phân biệt, miệt thị vùng miền ở Việt Nam vẫn còn tồn tại, gây ảnh hưởng đến tình đoàn kết của giữa các dân tộc, vùng miền. Đây là hành vi đáng lên án và có thể bị xử lý theo quy định.

Phân biệt, miệt thị vùng miền có vi phạm pháp luật?

Phân biệt, miệt thị vùng miền có vi phạm pháp luật? (Ảnh minh họa)

Theo Hiến pháp 2013 quy định:

- Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.

- Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

- Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

- Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

1. Hành vi phân biệt, miệt thị vùng miền có thể bị truy cứu TNHS

Dù là vô tình hay cố ý thì lời nói mỉa mai, châm chọc, phân biệt vùng miền có thể xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của một cá nhân hay tập thể.

Người có hành vi này tùy theo mức độ mà hành vi phân biệt, miệt thị vùng miền có thể bị truy cứu TNHS về tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017).

Cụ thể, hình phạt đối với tội làm nhục người khác có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc có thể bị phạt tù từ 01 đến 05 năm.

Hơn nữa, người có hành vi phân biệt, miệt thị vùng miền còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội phá hoại chính sách đoàn kết theo Điều 116 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), tùy theo mức độ mà mức hình phạt thấp nhất có thể bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm hoặc cao nhất từ 07 đến 15 năm nếu:

- Gây chia rẽ giữa các tầng lớp nhân dân, giữa nhân dân với chính quyền nhân dân, với lực lượng vũ trang nhân dân, với các tổ chức chính trị - xã hội;

- Gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;

-  Phá hoại việc thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế.

2. Phân biệt vùng miền trong lao động bị xử lý thế nào?

Theo khoản 1 Điều 8 Bộ luật Lao động 2019 thì hành vi phân biệt, đối xử trong lao động thuộc hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động.

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm về tuyển dụng, quản lý lao động: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi phân biệt đối xử trong lao động.

Văn Thông

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 31,178

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]