Khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP quy định về ví điện tử như sau:
- Là dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tạo lập trên vật mang tin (như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính...);
- Cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền gửi tương đương với số tiền được chuyển từ tài Khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài Khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1.
Đồng thời, theo Điều 2 Thông tư 39/2014/TT-NHNN, ví điện tử được xem là một trong các loại dịch vụ thanh toán trung gian, là một công cụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán.
Ví điện tử là gì? Hướng dẫn hồ sơ mở ví điện tử (Ảnh minh họa)
Theo khoản 2 Điều 9 Thông tư 39/2014/TT-NHNN (sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 23/2019/TT-NHNN), thông tin khách hàng mở ví điện tử bao gồm:
- Đối với ví điện tử của cá nhân:
+ Đối với cá nhân là người Việt Nam: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; số điện thoại; số căn cước công dân hoặc số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu còn thời hạn, ngày cấp, nơi cấp;
+ Đối với cá nhân là người nước ngoài: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; số điện thoại; số hộ chiếu còn thời hạn, ngày cấp, nơi cấp, thị thực nhập cảnh (nếu có);
- Đối với ví điện tử của tổ chức:
+ Tên giao dịch đầy đủ và viết tắt; mã số doanh nghiệp và mã số thuế (nếu tổ chức có mã số thuế khác mã số doanh nghiệp); địa chỉ đặt trụ sở chính; địa chỉ giao dịch; số điện thoại;
+ Thông tin về người đại diện hợp pháp của tổ chức mở ví điện tử theo quy định tại điểm a khoản này;
- Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải có các quy định và điều khoản về việc đăng ký mở và sử dụng ví điện tử và phải công khai cho khách hàng biết trước khi đăng ký mở ví điện tử.
Ngoài những nội dung quy định về thông tin khách hàng nêu trên, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử được bổ sung thêm những thông tin khác phù hợp với từng đối tượng khách hàng và phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng phải thông báo rõ và hướng dẫn cụ thể cho khách hàng biết.
Hồ sơ mở ví điện tử hiện nay được quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 39/2014/TT-NHNN (sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 23/2019/TT-NHNN), bao gồm:
- Đối với ví điện tử của cá nhân:
+ Thông tin của cá nhân mở ví điện tử theo yêu cầu của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử và phải đảm bảo các thông tin về khách hàng là cá nhân theo quy định nêu trên;
+ CCCD/CMND hoặc hộ chiếu còn thời hạn, giấy khai sinh (đối với cá nhân là công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi); thị thực nhập cảnh hoặc giấy tờ chứng minh được miễn thị thực nhập cảnh của cá nhân mở ví điện tử (đối với cá nhân là người nước ngoài);
- Đối với ví điện tử của tổ chức:
+ Thông tin của tổ chức mở ví điện tử theo yêu cầu của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử và phù hợp với quy định về thông tin khách hàng là tổ chức nêu trên;
+ Một trong các giấy tờ chứng minh việc tổ chức mở ví điện tử được thành lập và hoạt động hợp pháp như: Quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư hoặc các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật;
+ Các giấy tờ chứng minh tư cách đại diện của người đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền (gọi là người đại diện hợp pháp) của tổ chức mở ví điện tử kèm theo CCCD/CMND hoặc hộ chiếu còn thời hạn của người đó;
- Khách hàng đăng ký mở ví điện tử có thể xuất trình các tài liệu là giấy tờ tùy thân hoặc giấy tờ chứng minh việc tổ chức mở ví điện tử được thành lập và hoạt động hợp pháp nêu trên dưới hình thức bản chính hoặc bản sao hoặc bản quét (scan) từ bản gốc hoặc hình thức khác theo quy định của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử;
- Khách hàng có thể đăng ký và gửi Hồ sơ mở ví điện tử trực tiếp tại trụ sở, chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử hoặc các kênh giao dịch trực tuyến của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử hoặc các phương thức khác theo quy định của tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử và phù hợp với quy định của pháp luật.
Ngoài ra, đối với trường hợp cá nhân đăng ký mở ví điện tử có tài khoản thanh toán được mở thông qua người giám hộ, người đại diện theo pháp luật thì ngoài các giấy tờ và thông tin quy định nêu tên, hồ sơ mở ví điện tử phải có thêm các tài liệu, thông tin sau:
- Trường hợp người giám hộ, người đại diện theo pháp luật là cá nhân:
+ CCCD/CMND hoặc hộ chiếu còn thời hạn của người giám hộ, người đại diện theo pháp luật và các giấy tờ chứng minh tư cách giám hộ, đại diện hợp pháp của người đó đối với chủ ví điện tử.
Các thông tin về người giám hộ, người đại diện theo pháp luật giống với quy định về thông tin khách hàng mở ví điện tử là cá nhân;
- Trường hợp người giám hộ, người đại diện theo pháp luật là pháp nhân:
+ Một trong các giấy tờ chứng minh việc tổ chức này được thành lập và hoạt động hợp pháp, các giấy tờ chứng minh tư cách giám hộ, đại diện hợp pháp của tổ chức đó đối với chủ ví điện tử.
Các thông tin về người giám hộ, người đại diện theo pháp luật giống với quy định về thông tin khách hàng mở ví điện tử là tổ chức, thông tin về người đại diện hợp pháp của tổ chức đó giống với quy định về thông tin khách hàng mở ví điện tử là cá nhân.
Như Mai