NLĐ nước ngoài có phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp? (Ảnh minh họa)
Theo quy định tại Điều 43 Luật Việc làm 2013:
Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
- Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Theo quy định Điều 2 Luật Việc làm 2013 thì đối tượng điều chỉnh của Luật Việc làm 2013 là người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc làm.
Trong đó, người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc (khoản 1 Điều 3 Luật Việc làm 2013).
Căn cứ vào quy định trên, người lao động nước ngoài không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Việc làm 2013 nên người lao động nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Người lao động nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nhưng sẽ tham gia 02 loại bảo hiểm gồm: BHXH bắt buộc và BHYT.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP thì người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có điều kiện sau:
- Giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
- Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.
Lưu ý, người lao động nước ngoài không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định.
Trong đó, người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng liên tục. (theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 152/2020/NĐ-CP)
- Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động.
Ngoài ra quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 143/2018/NĐ-CP thì người lao động nước ngoài đủ điều kiện sẽ được thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc sau đây: ốm đau; thai sản; bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi 2014) thì Luật này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có liên quan đến bảo hiểm y tế.
Ngoài ra theo Điều 12 Luật bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi 2014) quy định các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động).
Từ các căn cứ trên có thể xác định người lao động nước ngoài thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế và phải thỏa điều kiện hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên.
Lệ Nguyễn