1. Tăng mức trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân xuất ngũ
Đây là nội dung tại Thông tư 22/2022/TT-BQP quy định về điều chỉnh trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc.
Theo đó, tăng thêm 7,4% trên mức trợ cấp hằng tháng của tháng 12/2021 đối với đối tượng theo công thức sau:
Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng từ tháng 01/2022 = Mức trợ cấp hằng tháng được hưởng tại thời điểm tháng 12/2021 x 1,074
Mức trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng sau khi đã được điều chỉnh tăng thêm, cụ thể như sau:
- Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, mức trợ cấp bằng 2.031.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, mức trợ cấp bằng 2.123.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, mức trợ cấp bằng 2.217.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, mức trợ cấp bằng 2.309.000 đồng/tháng;
- Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, mức trợ cấp bằng 2.400.000 đồng/tháng.
Mức trợ cấp tăng thêm trên được áp dụng từ ngày 01/01/2022.
Thông tư 22/2022/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 16/5/2022.
2. Thay đổi đối tượng học sinh, sinh viên được hỗ trợ vay vốn
Quyết định 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi Quyết định 157/2007/QĐ-TTG về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hiệu lực thi hành từ ngày 19/5/2022.
Theo đó, học sinh, sinh viên được hỗ trợ vay vốn là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng:
- Hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật.
- Hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật.
- Hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật.
(Hiện hành, học sinh, sinh viên được hỗ trợ vay vốn là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng:
- Hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật.
- Hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật)
3. Bổ sung quy định về hợp đồng liên kết đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp
Thông tư 05/2022/TT-BLĐTBXH quy định về liên kết tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp đã bổ sung quy định về hợp đồng liên kết đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp.
Theo đó, hợp đồng liên kết đào tạo quy định cụ thể về các nội dung thực hiện liên kết đào tạo; quyền, trách nhiệm của đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp liên kết đào tạo. Nội dung hợp đồng liên kết đào tạo bao gồm những nội dung chính sau:
- Tên ngành nghề, trình độ đào tạo hoặc nội dung đào tạo; thời gian, địa điểm đào tạo, quy mô và hình thức liên kết đào tạo.
- Chương trình đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng về cơ sở vật chất, thiết bị cho đào tạo.
- Kế hoạch và tiến độ đào tạo. Trường hợp đơn vị phối hợp liên kết đào tạo là doanh nghiệp cần ghi rõ địa điểm, thời gian đào tạo tại doanh nghiệp, thời gian đào tạo tại đơn vị chủ trì liên kết đào tạo.
- Nhà giáo tham gia giảng dạy, hướng dẫn; chế độ hoặc tiền lương cho nhà giáo và người học nếu làm ra sản phẩm đạt quy cách trong quá trình thực hành, thực tập (nếu có).
- Thời hạn thực hiện của hợp đồng liên kết đào tạo.
- Quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên tham gia liên kết đào tạo.
- Tài chính thực hiện hợp đồng liên kết đào tạo.
- Các nội dung khác có liên quan.
Thông tư 05/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 20/5/2022 và thay thế Thông tư 29/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017.
4. Bổ sung danh mục nhà tù để xét công nhận người có công
Thông tư 03/2022/TT-BLĐTBXH quy định danh mục nhà tù và những nơi được coi là nhà tù để xem xét công nhận người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày, đã bổ sung một số nơi vào danh mục nhà tù để được công nhận là người có công, đơn cử như:
- Tỉnh Quảng Trị bổ sung thêm: Trại giam ở quận, lỵ, huyện Vĩnh Linh; Đồn Cầu sắt Thạch Hãn, Đồn Lai Phước, Đồn Cửa Việt ở Huyện Triệu Phong;
- Tỉnh Trà Vinh bổ sung thêm: Ty cảnh sát Vĩnh Bình;
- Tỉnh Thừa Thiên Huế bổ sung thêm: Đồn Truồi;…
Thông tư 03/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 15/5/2022 và thay thế Thông tư 02/2019/TT-BLĐTBXH ngày 08/01/2019.
>>> Xem thêm: Mức trợ cấp hằng tháng đối với quân nhân đã xuất ngũ được tăng 7.4% theo quy định của pháp luật mới nhất?