04 hành vi bị cấm khi xử lý kỷ luật lao động

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Như Mai
11/06/2022 14:27 PM

Khi người lao động vi phạm kỷ luật lao động, người sử dụng lao động có quyền áp dụng các biện pháp xử lý kỷ luật theo quy định. Tuy nhiên, có 04 hành vi mà người sử dụng lao động bị cấm thực hiện khi xử lý kỷ luật lao động, cụ thể như sau:

04 hành vi bị cấm khi xử lý kỷ luật lao động

04 hành vi bị cấm khi xử lý kỷ luật lao động (Ảnh minh họa)

1. Các hình thức xử lý kỷ luật lao động

Theo Điều 117 Bộ luật Lao động 2019 , kỷ luật lao động là những quy định về việc tuân theo thời gian, công nghệ và điều hành sản xuất, kinh doanh do người sử dụng lao động ban hành trong nội quy lao động và do pháp luật quy định.

Hiện nay, Bộ luật Lao động quy định 04 hình thức xử lý mà người sử dụng lao động được phép áp dụng khi người lao động vi phạm kỷ luật lao động, bao gồm:

- Khiển trách.

- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.

- Cách chức.

- Sa thải.

2. 04 hành vi bị cấm khi xử lý kỷ luật lao động

Việc xử lý kỷ luật lao động phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Lao động . Trong đó, có 04 hành vi bị cấm trong quá trình xử lý kỷ luật lao động quy định tại Điều 127 Bộ luật Lao động 2019 , bao gồm:

- Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động;

- Phạt tiền thay cho việc xử lý kỷ luật lao động;

- Cắt lương thay cho việc xử lý kỷ luật lao động;

- Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.

3. Khi nào người lao động được xóa kỷ luật, giảm thời hạn chấp hành kỷ luật lao động?

Ngoại trừ hình thức kỷ luật sa thải chỉ áp dụng trong các trường hợp nhất định, thì thời điểm xóa kỷ luật, giảm thời hạn chấp hành kỷ luật lao động được quy định như sau:

- Người lao động bị khiển trách sau 03 tháng hoặc bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương sau 06 tháng hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức sau 03 năm kể từ ngày bị xử lý, nếu không tiếp tục vi phạm kỷ luật lao động thì đương nhiên được xóa kỷ luật.

- Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương sau khi chấp hành được một nửa thời hạn nếu sửa chữa tiến bộ thì có thể được người sử dụng lao động xét giảm thời hạn.

(Căn cứ Điều 126 Bộ luật Lao động 2019)

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,942

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]