Tín dụng đen là gì? Người hoạt động tín dụng đen bị xử lý thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
28/09/2022 15:30 PM

Hiện nay, có nhiều trường hợp người dân bị lừa đảo với các tổ chức tín dụng đen, dẫn đến nợ nần, phá sản. Vậy tín dụng đen là gì? Người hoạt động tín dụng đen bị xử lý thế nào? - Minh Tài (Đồng Tháp)

Tín dụng đen là gì? Người hoạt động tín dụng đen bị xử lý thế nào?

Tín dụng đen là gì? Người hoạt động tín dụng đen bị xử lý thế nào? (Hình từ internet)

1. Tín dụng đen là gì?

Theo khoản 13 Điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định 03 loại nghiệp vụ của hoạt động ngân hàng bao gồm: nhận tiền gửi; cấp tín dụng; cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản.

Khoản 14 Điều 3 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 quy định cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.

Tuy nhiên, hiện nay, không có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể thế nào là tín dụng đen. Trên thực tế, tín dụng đen có thể hiểu là một hình thức cho vay tín dụng với lãi suất cao hơn quy định của pháp luật từ các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động cho vay tiền nhưng không đăng ký kinh doanh và không được sự cấp phép của nhà nước (còn gọi là cho vay nặng lãi)

2. Lãi suất cho vay hợp pháp là bao nhiêu?

Hiện nay, các tổ chức, cá nhân cho vay áp dụng nhiều mức lãi suất cho vay khác nhau. Mức lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự được quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 , cụ thể:

- Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

+ Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. 

+ Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

- Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định nêu trên tại thời điểm trả nợ.

Đồng thời Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 cũng quy định về lãi suất cho vay như sau: 

- Tổ chức tín dụng được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

- Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

- Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng.

Như vậy, trong giao dịch dân sự, mức lãi suất cao nhất được quy định là 20%/năm. Tuy nhiên, trong quan hệ cho vay giữa các tổ chức tín dụng và khách hàng thì lãi suất giữa các bên là thỏa thuận, trừ trường hợp theo khoản 1 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN , theo đó:

Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN .

3. Mức phạt tội cho vay nặng lãi

Theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) , người phạm tội cho vay nặng lãi bị xử lý như sau:

- Cho vay trong giao dịch dân sự với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

- Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

>>> Xem thêm: Hợp đồng tín dụng như thế nào được coi là hợp đồng 'Tín dụng đen'? Cá nhân, tổ chức liên quan đến 'tín dụng đen' sẽ bị xử phạt như thế nào?

BTTTT yêu cầu ngăn chặn và xử lý hơn 15 website giả mạo các Công ty tài chính để lừa đảo trong 5 tháng đầu năm 2022?

Cho vay với lãi suất hơn 2.000%/năm, tổ chức cho vay phải đối diện với khung hình phạt như thế nào?

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 94,506

Bài viết về

lĩnh vực Tiền tệ - Ngân hàng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]