Phân biệt: Đính chính sổ đỏ và đăng ký biến động đất đai

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
06/07/2022 08:44 AM

Đính chính sổ đỏ và đăng ký biến động đất đai đều được thực hiện khi người dân đã được cấp sổ đỏ nhưng sau đó có sự thay đổi thông tin trên sổ đỏ. Vậy giữa đính chính sổ đỏ và đăng ký biến động đất đai khác nhau như thế nào?

Phân biệt: Đính chính sổ đỏ và đăng ký biến động đất đai

Phân biệt: Đính chính sổ đỏ và đăng ký biến động đất đai (Hình từ internet)

Đính chính sổ đỏ và đăng ký biến động đất đai có điểm khác nhau nổi bật nhất là ở lý do tiến hành:

* Đính chính sổ đỏ được thực hiện khi:

- Có sai sót thông tin về:

+ Tên gọi, giấy tờ pháp nhân;

+ Nhân thân, địa chỉ của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất so với giấy tờ pháp nhân hoặc nhân thân tại thời điểm cấp sổ đỏ;

- Có sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với hồ sơ kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đã được cơ quan đăng ký đất đai kiểm tra xác nhận.

* Đăng ký biến động đất đai được thực hiện khi có những thay đổi sau:

- Có thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất;

- Có thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký;

- Chuyển mục đích sử dụng đất;

- Có thay đổi thời hạn sử dụng đất;

- Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền:

+ Chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

+ Thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;

- Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;

- Chuyển hình thức sử dụng đất:

+ Chuyển từ hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm sang hình thức thuê đất thu tiền một lần cho cả thời gian thuê;

+ Chuyển từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất.

- Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của vợ hoặc của chồng thành quyền sử dụng đất chung, quyền sở hữu tài sản chung của vợ và chồng;

- Chia tách quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của tổ chức hoặc của hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất;

- Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo:

+ Kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận;

+ Thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ;

+ Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành;

+ Văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật;

- Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề;

- Có thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất.

(Khoản 4 Điều 95, khoản 1 Điều 106 Luật Đất đai 2013)

Như vậy, có thể thấy việc đính chính sổ đỏ là do những nguyên nhân khách quan (do sai sót), còn việc đăng ký biến động đất đai là do những nguyên nhân chủ quan mà người sử dụng đất có thể lường trước được.

>>> Xem thêm: Thông tin trong sổ đỏ bị sai có được đính chính lại hay không? Thủ tục đính chính sổ đỏ như thế nào?

Mức xử phạt nào dành cho hành vi làm giả sổ đỏ theo quy định của pháp luật hiện hành?

Thời hạn đăng ký biến động đất đai khi mua nhà là bao lâu? Mua bán nhà đất không đăng ký biến động đất đai trong hạn thì bị xử phạt thế nào?

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,663

Bài viết về

lĩnh vực Đất đai

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]