Khi nào giao quyền Bộ trưởng, quyền Chủ tịch tỉnh?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
15/07/2022 11:48 AM

Thủ tướng quyết định giao quyền Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh khi những vị trí này bị khuyết trong thời gian Quốc hội/HĐND cấp tỉnh không họp.

Khi nào giao quyền bộ trưởng, quyền Chủ tịch tỉnh?

Khi nào giao quyền Bộ trưởng, quyền Chủ tịch tỉnh?

Đây là một trong những quyền hạn của Thủ tướng được quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ 2015.

Cụ thể, trong thời gian Quốc hội không họp, quyết định giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND cấp tỉnh, quyết định giao quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong trường hợp khuyết Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Tiêu chuẩn Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh hiện nay được hướng dẫn tại Quy định 214-QĐ/TW ngày 02/01/2020, cụ thể như sau:

* Tiêu chuẩn chức danh Bộ trưởng

- Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực:

- Có trình độ cao và am hiểu sâu sắc về quản lý nhà nước, nắm chắc pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế.

- Có năng lực cụ thể hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để hoạch định phương hướng, chính sách phát triển ngành, lĩnh vực được phân công và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.

- Có năng lực phối hợp giữa các bộ, ban, ngành và giữa Trung ương với địa phương, tạo sự đồng bộ trong thực hiện chính sách chung của Đảng, Nhà nước.

- Có kinh nghiệm lãnh đạo, điều hành và quyết đoán, quyết liệt, kịp thời quyết định những vấn đề khó, phức tạp thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.

- Không bị chi phối bởi lợi ích nhóm. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp thứ trưởng hoặc phó trưởng ban, ngành, đoàn thể Trung ương hoặc lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh.

* Tiêu chuẩn Chủ tịch UBND cấp tỉnh

- Bảo đảm đầy đủ khung tiêu chuẩn chung hoặc tiêu chuẩn Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực:

- Có trình độ, kiến thức toàn diện về pháp luật và quản lý hành chính nhà nước; am hiểu về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của địa phương và đất nước.

- Có năng lực cụ thể hoá, thể chế hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của cấp uỷ, HĐND thành chương trình, kế hoạch của UBND và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả.

- Có năng lực toàn diện về tổ chức, quản lý, chỉ đạo, điều hành các cơ quan chuyên môn thuộc quyền và UBND cấp dưới; quyết đoán, quyết liệt, kịp thời để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến quản lý nhà nước ở địa phương.

- Có năng lực lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết thực tiễn, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các thể chế, cơ chế, chính sách phát triển địa phương.

- Đã kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp huyện và kinh qua, hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ phó chủ tịch HĐND hoặc phó chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc uỷ viên ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ hoặc tương đương.

Châu Thanh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,748

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]