Các phương pháp định giá doanh nghiệp mới nhất năm 2022

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
23/08/2022 14:37 PM

Trong lĩnh vực định giá doanh nghiệp thì sẽ có những phương pháp định giá nào? - Kim Khánh (Đồng Nai)

Các phương pháp định giá doanh nghiệp mới nhất năm 2022

Các phương pháp định giá doanh nghiệp mới nhất năm 2022

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các phương pháp định giá doanh nghiệp mới nhất năm 2022

1.1. Phương pháp tỷ số bình quân trong định giá doanh nghiệp

Theo Mục 3 Phần II Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 ban hành kèm theo Thông tư 28/2021/TT-BTC quy định phương pháp tỷ số bình quân trong định giá doanh nghiệp như sau:

* Phương pháp tỷ số bình quân ước là phương pháp tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá thông qua tỷ số thị trường trung bình của các doanh nghiệp so sánh.

* Trường hợp áp dụng phương pháp tỷ số bình quân:

Có ít nhất 03 doanh nghiệp so sánh. Ưu tiên các doanh nghiệp so sánh là các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán hoặc đăng ký giao dịch trên UPCoM.

* Nguyên tắc thực hiện:

- Cách thức xác định các chỉ số tài chính, tỷ số thị trường phải nhất quán đối với tất cả các doanh nghiệp so sánh và doanh nghiệp cần thẩm định giá.

- Các chỉ số tài chính, tỷ số thị trường của các doanh nghiệp so sánh được thu thập từ các nguồn khác nhau phải được rà soát, điều chỉnh để bảo đảm tính nhất quán về cách thức xác định trước khi đưa vào sử dụng trong thẩm định giá.

* Các bước xác định giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp:

- Bước 1: Đánh giá, lựa chọn các doanh nghiệp so sánh.

- Bước 2: Xác định các tỷ số thị trường được sử dụng để ước tính giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá.

- Bước 3: Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá trên cơ sở các tỷ số thị trường phù hợp để sử dụng và thực hiện các điều chỉnh khác biệt.

1.2. Phương pháp giá giao dịch trong định giá doanh nghiệp

Theo Mục 4 Phần II Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 ban hành kèm theo Thông tư 28/2021/TT-BTC quy định phương pháp giá giao dịch trong định giá doanh nghiệp như sau:

* Phương pháp giá giao dịch là phương pháp ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá thông qua giá giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp hoặc chuyển nhượng cổ phần thành công trên thị trường của chính doanh nghiệp cần thẩm định giá.

* Trường hợp áp dụng phương pháp giá giao dịch:

Doanh nghiệp cần thẩm định giá có ít nhất 03 giao dịch chuyển nhượng phần vốn góp hoặc chuyển nhượng cổ phần thành công trên thị trường; đồng thời, thời điểm diễn ra giao dịch không quá 01 năm tính đến thời điểm thẩm định giá.

* Nguyên tắc áp dụng:

Thẩm định viên cần đánh giá, xem xét việc điều chỉnh giá các giao dịch thành công cho phù hợp với thời điểm thẩm định giá nếu cần thiết.

* Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu:

Giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá được tính theo giá bình quân theo khối lượng giao dịch của ít nhất 03 giao dịch thành công của việc chuyển nhượng phần vốn góp hoặc cổ phần gần nhất trước với thời điểm thẩm định giá.

Trường hợp doanh nghiệp cần thẩm định giá là doanh nghiệp đã niêm yết cổ phần trên sàn chứng khoán hoặc đã đăng ký giao dịch trên UPCoM, giá cổ phần để tính giá thị trường vốn chủ sở hữu là giá giao dịch,

Hoặc giá đóng cửa của cổ phần của doanh nghiệp cần thẩm định giá tại hoặc gần nhất với thời điểm thẩm định giá và phải có giao dịch của cổ phần này trong vòng 30 ngày kể từ thời điểm thẩm định giá về trước.

1.3. Phương pháp tài sản trong định giá doanh nghiệp

Theo Mục 5 Phần II Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 ban hành kèm theo Thông tư 28/2021/TT-BTC quy định phương pháp tài sản trong định giá doanh nghiệp như sau:

* Phương pháp tài sản là phương pháp ước tính giá trị của doanh nghiệp cần thẩm định giá thông qua tính tổng giá trị của các tài sản thuộc quyền sở hữu và sử dụng của doanh nghiệp cần thẩm định giá.

Việc xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ để chuyển thành công ty cổ phần bằng phương pháp tài sản được áp dụng theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa.

* Nguyên tắc thực hiện:

- Tài sản được xem xét trong quá trình thẩm định giá là tất cả các tài sản của doanh nghiệp, bao gồm cả tài sản hoạt động và tài sản phi hoạt động.

- Giám đốc (Tổng giám đốc) doanh nghiệp cần thẩm định giá cần phối hợp tiến hành tổ chức kiểm kê, phân loại tài sản đang sở hữu, quản lý, sử dụng (bao gồm cả quyền tài sản) kèm theo tài liệu chứng minh quyền sở hữu, sử dụng tài sản để phục vụ cho việc thẩm định giá;

Đồng thời, hỗ trợ thẩm định viên khảo sát hiện trạng tài sản của doanh nghiệp. Trường hợp thẩm định viên không được cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu nêu trên, không được hỗ trợ để khảo sát hiện trạng tài sản thì thẩm định viên đánh giá, xem xét việc đưa ra các giả thiết (nếu cần); 

Đồng thời, đưa hạn chế này vào phần loại trừ và hạn chế của chứng thư và báo cáo cáo kết quả thẩm định giá.

- Khi thẩm định giá doanh nghiệp theo cơ sở giá trị thị trường thì giá trị các tài sản của doanh nghiệp là giá trị thị trường của tài sản đó tại thời điểm thẩm định giá. Tài sản trong sổ sách kế toán cần được thẩm định giá đúng với giá trị thị trường, trừ một số trường hợp cá biệt.

- Tài sản vô hình không thỏa mãn các điều kiện để được ghi nhận trên sổ sách kế toán (tên thương mại, nhãn hiệu, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp...) và các tài sản khác không được ghi nhận trên sổ sách kế toán cần được áp dụng phương pháp thẩm định giá phù hợp để xác định.

- Đối với tài sản được hạch toán bằng ngoại tệ: Tỷ giá ngoại tệ áp dụng theo hướng dẫn của Chuẩn mực kế toán Việt Nam khi lập và trình bày báo cáo tài chính.

* Các bước tiến hành:

- Bước 1: Ước tính tổng giá trị các tài sản hữu hình và tài sản tài chính của doanh nghiệp cần thẩm định giá.

- Bước 2: Ước tính tổng giá trị các tài sản vô hình của doanh nghiệp cần thẩm định giá.

- Bước 3: Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá.

1.4. Phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp trong định giá doanh nghiệp

Theo Mục 6 Phần II Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 ban hành kèm theo Thông tư 28/2021/TT-BTC quy định phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp trong định giá doanh nghiệp như sau:

* Phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp là phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp cần thẩm định giá thông qua ước tính tổng của giá trị chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp cần thẩm định giá với giá trị hiện tại của các tài sản phi hoạt động của doanh nghiệp tại thời điểm thẩm định giá.

 Trường hợp doanh nghiệp cần thẩm định giá là công ty cổ phần, phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do của doanh nghiệp được sử dụng với giả định coi các cổ phần ưu đãi của doanh nghiệp cần thẩm định giá như cổ phần thường.

Giả định này cần được nêu rõ trong phần hạn chế của Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá.

* Các bước xác định giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp:

- Bước 1: Dự báo dòng tiền tự do của doanh nghiệp cần thẩm định giá.

- Bước 2: Ước tính chi phí sử dụng vốn bình quân gia quyền của doanh nghiệp cần thẩm định giá.

- Bước 3: Ước tính giá trị cuối kỳ dự báo.

- Bước 4: Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá.

1.5. Phương pháp chiết khấu dòng cổ tức trong định giá doanh nghiệp

Theo Mục 7 Phần II Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 ban hành kèm theo Thông tư 28/2021/TT-BTC quy định phương pháp chiết khấu dòng cổ tức trong định giá doanh nghiệp như sau:

* Phương pháp chiết khấu dòng cổ tức là phương pháp xác định giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá thông qua ước tính tổng của giá trị chiết khấu dòng cổ tức của doanh nghiệp cần thẩm định giá. 

Trường hợp doanh nghiệp cần thẩm định giá là công ty cổ phần, phương pháp chiết khấu dòng tiền cổ tức của doanh nghiệp được sử dụng với giả định coi các cổ phần ưu đãi của doanh nghiệp cần thẩm định giá như cổ phần thường. 

Giả định này cần được nêu rõ trong phần hạn chế của Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá.

* Các bước xác định giá trị vốn chủ sở hữu:

- Bước 1: Dự báo dòng cổ tức của doanh nghiệp cần thẩm định giá.

Thẩm định viên cần dự báo tỷ lệ chia cổ tức và tỷ lệ tăng trưởng cổ tức của doanh nghiệp cần thẩm định giá. Để ước tính giai đoạn dự báo dòng cổ tức, thẩm định viên căn cứ vào đặc điểm của doanh nghiệp, của lĩnh vực kinh doanh và bối cảnh kinh tế để lựa chọn các mô hình tăng trưởng phù hợp. 

Giai đoạn dự báo dòng cổ tức tối thiểu là 03 năm. Đối với các doanh nghiệp mới thành lập hoặc đang tăng trưởng nhanh thì giai đoạn dự báo dòng cổ tức có thể kéo dài đến khi doanh nghiệp bước vào giai đoạn tăng trưởng đều. 

Đối với doanh nghiệp hoạt động có thời hạn thì giai đoạn dự báo dòng cổ tức được xác định theo tuổi đời của doanh nghiệp.

- Bước 2: Ước tính chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu.

- Bước 3: Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu cuối kỳ dự báo như sau:

1.6. Phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu trong định giá doanh nghiệp

Theo Mục 8 Phần II Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 ban hành kèm theo Thông tư 28/2021/TT-BTC quy định phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu trong định giá doanh nghiệp như sau:

* Phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu là phương pháp xác định giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá thông qua ước tính tổng của giá trị chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá. 

Trường hợp doanh nghiệp cần thẩm định giá là công ty cổ phần, phương pháp chiết khấu dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu được sử dụng với giả định coi các cổ phần ưu đãi của doanh nghiệp cần thẩm định giá như cổ phần thường.

Giả định này cần được nêu rõ trong phần hạn chế của Chứng thư thẩm định giá và Báo cáo kết quả thẩm định giá.

* Các bước xác định giá trị vốn chủ sở hữu:

- Bước 1: Dự báo dòng tiền tự do vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá.

Để ước tính giai đoạn dự báo dòng tiền, thẩm định viên căn cứ vào đặc điểm của doanh nghiệp, của lĩnh vực kinh doanh và bối cảnh kinh tế để lựa chọn các mô hình tăng trưởng phù hợp.

Giai đoạn dự báo dòng tiền tối thiểu là 03 năm. Đối với các doanh nghiệp mới thành lập hoặc đang tăng trưởng nhanh thì giai đoạn dự báo dòng tiền có thể kéo dài đến khi doanh nghiệp bước vào giai đoạn tăng trưởng đều. 

Đối với doanh nghiệp hoạt động có thời hạn thì việc xác định giai đoạn dự báo dòng tiền cần đánh giá, xem xét đến tuổi đời của doanh nghiệp.

- Bước 2: Ước tính chi phí sử dụng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá.

- Bước 3: Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu cuối kỳ dự báo.

- Bước 4: Ước tính giá trị vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cần thẩm định giá.

2. Cơ sở giá trị và sử dụng báo cáo tài chính trong định giá doanh nghiệp

Theo Mục 1 Phần II Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam số 12 ban hành kèm theo Thông tư 28/2021/TT-BTC quy định về cơ sở giá trị và sử dụng báo cáo tài chính trong định giá doanh nghiệp như sau:

2.1. Cơ sở giá trị trong định giá doanh nghiệp

- Cơ sở giá trị doanh nghiệp là giá trị thị trường hoặc giá trị phi thị trường.

Cơ sở giá trị được xác định trên cơ sở mục đích thẩm định giá, đặc điểm pháp lý, đặc điểm KT - KT và đặc điểm thị trường của doanh nghiệp cần thẩm định giá, yêu cầu của khách hàng thẩm định giá tại hợp đồng thẩm định giá (nếu phù hợp với mục đích thẩm định giá) và quy định của pháp luật có liên quan. 

- Căn cứ vào triển vọng thực tế của doanh nghiệp, thị trường kinh doanh của doanh nghiệp, mục đích thẩm định giá và quy định của pháp luật, thẩm định viên đưa ra nhận định về tình trạng hoạt động, tình trạng giao dịch (thực tế hoặc giả thiết) của doanh nghiệp cần thẩm định giá sau thời điểm thẩm định giá.

Thông thường giá trị của doanh nghiệp là giá trị doanh nghiệp hoạt động liên tục. Trong trường hợp thẩm định viên nhận định rằng doanh nghiệp sẽ chấm dứt hoạt động sau thời điểm thẩm định giá thì giá trị của doanh nghiệp sẽ là giá trị doanh nghiệp hoạt động có thời hạn hoặc giá trị thanh lý.

- Việc áp dụng các phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp cần phù hợp với cơ sở giá trị doanh nghiệp và nhận định của thẩm định viên về trạng thái hoạt động của doanh nghiệp tại và sau thời điểm thẩm định giá.

2.2. Sử dụng báo cáo tài chính trong định giá doanh nghiệp

Căn cứ vào cách tiếp cận, phương pháp thẩm định giá doanh nghiệp được lựa chọn, thời điểm thẩm định giá và đặc điểm của doanh nghiệp cần thẩm định giá thì:

Thẩm định viên phân tích, đánh giá để sử dụng báo cáo tài chính của doanh nghiệp cho phù hợp và ưu tiên sử dụng báo cáo tài chính đã được kiểm toán, soát xét bởi đơn vị kiểm toán độc lập.

>>> Xem thêm: Thẩm định giá doanh nghiệp được thực hiện thông qua những cách tiếp cận nào? Cơ sở giá trị của thẩm định giá doanh nghiệp là gì?

Mẫu mới nhất Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp tư nhân theo quy định của pháp luật năm 2022?

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 113,062

Bài viết về

lĩnh vực Doanh nghiệp

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]