Tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật bị xử lý thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
31/08/2022 12:00 PM

Hành vi tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật theo quy định của pháp luật bị xử lý như thế nào? - Văn An (Quảng Nam)

Tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật bị xử lý thế nào?

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Thế nào là tố giác, tin báo về tội phạm?

Nguồn tin về tội phạm theo điểm d khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 gồm:

- Tố giác, tin báo về tội phạm;

- Kiến nghị khởi tố của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

- Lời khai của người phạm tội tự thú;

- Thông tin về tội phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện.

Trong đó, theo Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì:

- Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

- Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.

Tố giác của cá nhân; tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân là các căn cứ để xác định dấu hiệu tội phạm theo Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

2. Tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật bị xử lý thế nào?

Theo khoản 5 Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

2.1. Mức xử phạt hành chính đối với hành vi tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật

Điều 9 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 (có hiệu lực từ ngày 01/9/2022) quy định mức phạt đối với hành vi trên như sau:

- Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

- Người nào thực hiện một trong các hành vi sau sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, trừ trường hợp người thực hiện hành vi là luật sư quy định tại khoản 3 Điều 9 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15:

+ Cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, người có thẩm quyền;

+ Lôi kéo, xúi giục, lừa dối, mua chuộc, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực buộc người khác tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật.

- Trường hợp luật sư thực hiện hành vi quy định tại khoản 2 Điều 9 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 nêu trên sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng.

- Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật nêu trên.

Như vậy, theo quy định trên, người có hành vi tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính đến 15 triệu đồng, đối với luật sư thì mức phạt lên đến 30 triệu đồng.

2.2. Tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật có bị phạt tù?

Theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 thì người nào bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống với mức hình phạt cao nhất lên đến 07 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

2.3. Xử lý kỷ luật đối với hành vi tố giác, báo tin tội phạm sai sự thật

Điều 23 Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định cán bộ, công chức, viên chức biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Văn Trọng

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 23,728

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]