Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là gì? 04 quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
06/09/2022 11:07 AM

Tôi muốn biết Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một tổ chức như thế nào? Có cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động ra sao? - Ngọc Hậu (Tiền Giang)

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là gì? 04 quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là gì? 04 quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là gì? 

- Kế thừa vai trò lịch sử của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(Điều 1 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015)

2. Thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

- Thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là các tổ chức và cá nhân quy định tại Điều 1 của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cụ thể gồm:

+ Tổ chức chính trị.

+ Các tổ chức chính trị - xã hội.

+ Tổ chức xã hội.

+ Các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

- Việc gia nhập, cho thôi làm thành viên, quyền và trách nhiệm của thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được quy định tại Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

(Điều 5 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015)

3. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện theo quy định tại Điều 4 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015 như sau:

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên.

- Khi phối hợp và thống nhất hành động, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuân theo Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời vẫn giữ tính độc lập của tổ chức mình.

- Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức thành viên, vừa lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

4. Cơ cấu tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Cụ thể tại khoản 2 Điều 6 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được tổ chức như sau:

- Ở trung ương có Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

- Ở địa phương có Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, phường, thị trấn. Ở mỗi cấp có Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định.

Ngoài ra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã thành lập Ban công tác Mặt trận ở thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố và cộng đồng dân cư khác. Tổ chức và hoạt động của Ban công tác Mặt trận do Điều lệ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định.

5. Quyền hạn và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thực hiện các quyền hạn và trách nhiệm của mình theo quy định tại Điều 5 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 2015 như sau:

- Tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.

- Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện quyền làm chủ, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

- Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.

- Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước.

- Thực hiện giám sát và phản biện xã hội.

- Tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng, Nhà nước.

- Thực hiện hoạt động đối ngoại nhân dân.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 38,893

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]