Hệ thống giáo dục quốc dân gồm những cấp học nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
12/09/2022 13:52 PM

Cho tôi hỏi hệ thống giáo dục quốc dân gồm những cấp học nào và mỗi cấp học được quy định như thế nào? - Mỹ Anh (Hậu Giang)

Hệ thống giáo dục quốc dân gồm những cấp học nào?

Hệ thống giáo dục quốc dân gồm những cấp học nào?

1. Hệ thống giáo dục quốc dân là gì?

Hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên.

Trong đó:

- Giáo dục chính quy là giáo dục theo khóa học trong cơ sở giáo dục để thực hiện một chương trình giáo dục nhất định, được thiết lập theo mục tiêu của các cấp học, trình độ đào tạo và được cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân.

- Giáo dục thường xuyên là giáo dục để thực hiện một chương trình giáo dục nhất định, được tổ chức linh hoạt về hình thức thực hiện chương trình, thời gian, phương pháp, địa điểm, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học.

(Khoản 1, 2 Điều 5, khoản 2 Điều 6 Luật Giáo dục 2019)

2. Hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm cấp học, trình độ đào tạo nào?

Cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm:

2.1. Giáo dục mầm non

- Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo.

- Vị trí, vai trò và mục tiêu của giáo dục mầm non:

+ Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 03 tháng tuổi đến 06 tuổi.

+ Giáo dục mầm non nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp một.

- Yêu cầu về nội dung giáo dục mầm non: Nội dung giáo dục mầm non phải bảo đảm:

+ Phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em;

+ Hài hòa giữa bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng với giáo dục trẻ em;

+ Phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, kỹ năng xã hội, trí tuệ, thẩm mỹ;

+ Tôn trọng sự khác biệt;

+ Phù hợp với các độ tuổi và liên thông với giáo dục tiểu học.

- Yêu cầu về phương pháp giáo dục mầm non:

+ Giáo dục nhà trẻ phải tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em được tích cực hoạt động, vui chơi, tạo sự gắn bó giữa người lớn với trẻ em; kích thích sự phát triển các giác quan, cảm xúc và các chức năng tâm sinh lý;

+ Giáo dục mẫu giáo phải tạo điều kiện cho trẻ em được vui chơi, trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh bằng nhiều hình thức, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ em.

2.2. Giáo dục phổ thông

- Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông.

- Các cấp học và độ tuổi của giáo dục phổ thông:

+ Giáo dục tiểu học được thực hiện trong 05 năm học, từ lớp một đến hết lớp năm. Tuổi của học sinh vào học lớp một là 06 tuổi và được tính theo năm;

+ Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong 04 năm học, từ lớp sáu đến hết lớp chín. Học sinh vào học lớp sáu phải hoàn thành chương trình tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp sáu là 11 tuổi và được tính theo năm;

+ Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 03 năm học, từ lớp mười đến hết lớp mười hai. Học sinh vào học lớp mười phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuổi của học sinh vào học lớp mười là 15 tuổi và được tính theo năm.

- Trường hợp học sinh được học vượt lớp, học ở độ tuổi cao hơn:

+ Học sinh học vượt lớp trong trường hợp phát triển sớm về trí tuệ;

+ Học sinh học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định trong trường hợp học sinh học lưu ban, học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh là người khuyết tật, học sinh kém phát triển về thể lực hoặc trí tuệ, học sinh mồ côi không nơi nương tựa, học sinh thuộc hộ nghèo, học sinh ở nước ngoài về nước và trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

- Yêu cầu về nội dung giáo dục phổ thông ở các cấp học:

+ Giáo dục tiểu học phải bảo đảm cho học sinh nền tảng phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, kỹ năng xã hội; có hiểu biết đơn giản, cần thiết về tự nhiên, xã hội và con người; có nhận thức đạo đức xã hội; có kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết và tính toán; có thói quen rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh; có hiểu biết ban đầu về hát, múa, âm nhạc, mỹ thuật;

+ Giáo dục trung học cơ sở củng cố, phát triển nội dung đã học ở tiểu học, bảo đảm cho học sinh có hiểu biết phổ thông cơ bản về tiếng Việt, toán, lịch sử dân tộc; kiến thức khác về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, pháp luật, tin học, ngoại ngữ; có hiểu biết cần thiết tối thiểu về kỹ thuật và hướng nghiệp;

+ Giáo dục trung học phổ thông củng cố, phát triển nội dung đã học ở trung học cơ sở, hoàn thành nội dung giáo dục phổ thông; bảo đảm chuẩn kiến thức phổ thông cơ bản, toàn diện và hướng nghiệp cho học sinh, có nội dung nâng cao ở một số môn học để phát triển năng lực, đáp ứng nguyện vọng của học sinh.

2.3. Giáo dục nghề nghiệp

- Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người học, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

- Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp:

Giáo dục nghề nghiệp nhằm đào tạo nhân lực:

+ Trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo;

+ Có đạo đức, sức khỏe;

+ Có trách nhiệm nghề nghiệp;

+ Có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường hội nhập quốc tế;

+ Bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động;

+ Tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học trình độ cao hơn.

2.4. Giáo dục đại học

- Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.

- Mục tiêu của giáo dục đại học:

+ Đào tạo nhân lực trình độ cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học và công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế.

+ Đào tạo người học phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ; có tri thức, kỹ năng, trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng nắm bắt tiến bộ khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo, khả năng tự học, sáng tạo, thích nghi với môi trường làm việc; có tinh thần lập nghiệp, có ý thức phục vụ Nhân dân.

(Khoản 2 Điều 6, mục 1 Chương II Luật Giáo dục 2019)

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 71,854

Bài viết về

lĩnh vực Giáo dục

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]