Điều ước quốc tế là gì? 04 quy định về điều ước quốc tế
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 2 Luật Điều ước quốc tế 2016, điều ước quốc tế là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với bên ký kết nước ngoài, làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo pháp luật quốc tế.
Ngoài ra, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên là điều ước quốc tế đang có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
(Khoản 2 Điều 2 Luật Điều ước quốc tế 2016)
Cụ thể tại Điều 4 Luật Điều ước quốc tế 2016, danh nghĩa ký kết điều ước quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định như sau:
(1) Các điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước
- Điều ước quốc tế do Chủ tịch nước trực tiếp ký với người đứng đầu Nhà nước khác;
- Điều ước quốc tế liên quan đến chiến tranh, hòa bình, chủ quyền quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Điều ước quốc tế về việc thành lập, tham gia tổ chức quốc tế và khu vực nếu việc thành lập, tham gia, rút khỏi tổ chức đó ảnh hưởng đến chính sách cơ bản của quốc gia về đối ngoại, quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, tiền tệ;
- Điều ước quốc tế làm thay đổi, hạn chế hoặc chấm dứt quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội;
- Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.
* Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Chính phủ
- Điều ước quốc tế không thuộc trường hợp tại mục (1);
- Điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Chính phủ theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.
Ngôn ngữ và hình thức của điều ước quốc tế được thực hiện theo quy định tại Điều 5 Luật Điều ước quốc tế 2016, cụ thể như sau:
- Điều ước quốc tế hai bên phải có văn bản bằng tiếng Việt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên ký kết nước ngoài.
- Trong trường hợp điều ước quốc tế được ký kết bằng nhiều thứ tiếng thì các văn bản có giá trị ngang nhau, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên ký kết nước ngoài.
- Trong trường hợp điều ước quốc tế chỉ được ký kết bằng tiếng nước ngoài thì trong hồ sơ đề xuất ký kết phải có bản dịch bằng tiếng Việt của điều ước quốc tế đó.
- Trong trường hợp nước CHXHCN Việt Nam bảo lưu, chấp nhận hoặc phản đối bảo lưu của bên ký kết nước ngoài, tuyên bố đối với điều ước quốc tế nhiều bên thì trong hồ sơ trình phải có dự thảo văn bản liên quan đến bảo lưu, tuyên bố đó bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài được sử dụng để thông báo cho cơ quan lưu chiểu điều ước quốc tế nhiều bên.
- Bản chính điều ước quốc tế hai bên của phía Việt Nam phải được in trên giấy điều ước quốc tế, đóng bìa theo mẫu do Bộ Ngoại giao ban hành, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên ký kết nước ngoài.
Theo Điều 52 Luật Điều ước quốc tế 2016, điều ước quốc tế có hiệu lực đối với nước CHXHCN Việt Nam theo quy định của Điều ước quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.
* Áp dụng tạm thời điều ước quốc tế
Điều ước quốc tế hoặc một phần của Điều ước quốc tế có thể được áp dụng tạm thời trong thời gian hoàn thành thủ tục để điều ước quốc tế có hiệu lực theo quy định của điều ước quốc tế đó hoặc theo thỏa thuận giữa bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài.
Việc áp dụng tạm thời điều ước quốc tế chấm dứt nếu bên Việt Nam thông báo cho bên ký kết nước ngoài hoặc bên ký kết nước ngoài thông báo cho bên Việt Nam về việc chấm dứt áp dụng tạm thời điều ước quốc tế đó, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác hoặc bên Việt Nam và bên ký kết nước ngoài có thỏa thuận khác.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định ký điều ước quốc tế có quyền quyết định áp dụng tạm thời và chấm dứt áp dụng tạm thời Điều ước quốc tế đó.
(Điều 53 Luật Điều ước quốc tế 2016)
* Áp dụng điều ước quốc tế trong pháp luật Việt Nam
- Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của Điều ước quốc tế đó, trừ Hiến pháp.
- Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, đủ chi tiết để thực hiện;
Ngoài ra còn có thể quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó.
(Điều 6 Luật Điều ước quốc tế 2016)