Điều kiện thành lập mới Quỹ đầu tư phát triển địa phương
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 147/2020/NĐ-CP, quỹ đầu tư phát triển địa phương là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do UBND cấp tỉnh thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; thực hiện chức năng cho vay và đầu tư tại địa phương theo quy định tại Nghị định 147/2020/NĐ-CP.
Cụ thể, quỹ đầu tư phát triển địa phương có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
Tên gọi của Quỹ đầu tư phát triển địa phương: Quỹ đầu tư phát triển, ghép với tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Trong đó,cơ cấu tổ chức của Quỹ đầu tư phát triển địa phương bao gồm:
- Hội đồng quản lý.
- Ban Kiểm soát.
- Ban điều hành gồm Giám đốc Quỹ, các Phó Giám đốc Quỹ, Kế toán trưởng và bộ máy giúp việc.
(Khoản 2 Điều 3 và Khoản 1 Điều 9 Nghị định 147/2020/NĐ-CP)
Cụ thể tại Điều 6 Nghị định 147/2020/NĐ-CP, các điều kiện để thành lập mới Quỹ đầu tư phát triển địa phương như sau:
- Có vốn điều lệ thực có tại thời điểm thành lập không thấp hơn 300 tỷ đồng.
- Có đề án thành lập Quỹ đầu tư phát triển địa phương được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.
- Có dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương phù hợp với quy định tại Điều 8 Nghị định 147/2020/NĐ-CP, cụ thể nội dung trong dự thảo như sau:
+ Tên gọi và nơi đặt trụ sở chính.
+ Địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân, người đại diện pháp luật.
+ Nguyên tắc và phạm vi hoạt động.
+ Vốn điều lệ của Quỹ.
+ Cơ cấu tổ chức và quản lý của Quỹ.
+ Chức năng, nhiệm vụ của Quỹ.
+ Chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng quản lý, Ban điều hành và Ban Kiểm soát.
+ Tiêu chuẩn, điều kiện các chức danh Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản lý Quỹ, Ban Kiểm soát, Giám đốc, Phó Giám đốc và Kế toán trưởng Quỹ.
+ Việc tuyển dụng lao động, quy hoạch và bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo khác của Quỹ.
+ Chế độ kế toán, tài chính và kiểm toán của Quỹ.
+ Quy trình sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ.
+ Mối quan hệ và trách nhiệm giữa Quỹ với các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp vay và nhận vốn đầu tư của Quỹ.
+ Xử lý tranh chấp, cơ cấu lại, giải thể đối với Quỹ.
+ Các nội dung khác theo yêu cầu quản lý của Quỹ.
Nguyên tắc và phạm vi hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương được quy định tại Điều 4 Nghị định 147/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Nguyên tắc hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương
+ Tự chủ về tài chính, không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn; hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước.
+ Chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn điều lệ.
+ Thực hiện cho vay, đầu tư đúng đối tượng và điều kiện theo quy định tại Nghị định 147/2020/NĐ-CP.
- Phạm vi hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương
+ Huy động vốn trung, dài hạn từ các tổ chức trong và ngoài nước theo quy định Nghị định 147/2020/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.
+ Cho vay các dự án thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ theo quy định tại Nghị định 147/2020/NĐ-CP.
+ Đầu tư các dự án, đầu tư thành lập tổ chức kinh tế, đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay của Quỹ theo quy định tại Nghị định 147/2020/NĐ-CP.
+ Ủy thác cho vay, đầu tư; nhận ủy thác quản lý các quỹ tài chính nhà nước tại địa phương, các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật và Nghị định 147/2020/NĐ-CP.
+ Thực hiện nghiệp vụ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật.
Quỹ đầu tư phát triển địa phương phải có các trách nhiệm như sau:
- Thực hiện đầu tư, cho vay theo danh mục lĩnh vực đầu tư, cho vay được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo quy định tại Nghị định 147/2020/NĐ-CP.
- Thực hiện chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán và báo cáo theo quy định tại Nghị định 147/2020/NĐ-CP.
- Tuân thủ Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ.
- Chịu sự thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; cung cấp số liệu, công bố công khai về tình hình tài chính theo quy định của pháp luật.
- Tuân thủ quy định tại Nghị định 147/2020/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.
Các quyền hạn thuộc thẩm quyền của Quỹ đầu tư phát triển địa phương bao gồm:
- Tổ chức hoạt động theo quy định Nghị định 147/2020/NĐ-CP, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ và quy định của pháp luật có liên quan.
- Được lựa chọn các dự án đáp ứng đủ điều kiện để đầu tư, cho vay theo quy định tại Nghị định 147/2020/NĐ-CP.
- Được tuyển chọn, bố trí, đào tạo và sử dụng lao động theo quy định tại Nghị định 147/2020/NĐ-CP, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ và các quy định của pháp luật có liên quan.
- Được từ chối yêu cầu cung cấp thông tin hoặc sử dụng nguồn lực của Quỹ, nếu yêu cầu đó trái với quy định của pháp luật.
- Được liên hệ, phối hợp với các cơ quan chức năng, các đơn vị có liên quan trên địa bàn để tìm kiếm, xây dựng các dự án đầu tư.
Xem thêm: Đầu tư công là gì? 05 điều cần biết về đầu tư công