Các phương pháp xác định mức độ khuyết tật

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
29/09/2022 09:34 AM

Các dạng tật và mức độ khuyết tật được quy định thế nào? Để xác định mức độ khuyết tật của một người, thì Hội đồng xác định thực hiện bằng các phương pháp gì? - Mai Trang (Cà Mau)

Các phương pháp xác định mức độ khuyết tật

Các phương pháp xác định mức độ khuyết tật

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các dạng tật và mức độ khuyết tật

1.1. Các dạng tật

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Người khuyết tật 2010 (được hướng dẫn chi tiết tại Điều 2 Nghị định 28/2012/NĐ-CP), các dạng tật bao gồm:

- Khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển.

- Khuyết tật nghe, nói là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.

- Khuyết tật nhìn là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường.

- Khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.

- Khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.

- Khuyết tật khác là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc các trường hợp trên.

1.2. Mức độ khuyết tật

Cụ thể tại khoản 2 Điều 3 Luật Người khuyết tật 2010 (được hướng dẫn chi tiết tại Điều 3 Nghị định 28/2012/NĐ-CP), thì người khuyết tật được chia theo mức độ khuyết tật sau đây:

- Người khuyết tật đặc biệt nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất hoàn toàn chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn.

- Người khuyết tật nặng là những người do khuyết tật dẫn đến mất một phần hoặc suy giảm chức năng, không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được một số hoạt động đi lại, mặc quần áo, vệ sinh cá nhân và những việc khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc.

- Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định trên.

2. Phương pháp xác định mức độ khuyết tật

Các phương pháp xác định mức độ khuyết tật được quy định như sau:

(1) Hội đồng xác định mức độ khuyết tật căn cứ vào quy định dạng tật, mức độ khuyết tật và quan sát trực tiếp người khuyết tật thông qua thực hiện hoạt động đơn giản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày, sử dụng bộ câu hỏi theo tiêu chí về y tế, xã hội và phương pháp khác theo quy định để xác định mức độ khuyết tật.

Trừ trường hợp quy định tại mục (2), (3).

(2) Hội đồng giám định y khoa xác định, kết luận về dạng tật và mức độ khuyết tật đối với trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 15 Luật người khuyết tật 2010, cụ thể như sau:

- Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không đưa ra được kết luận về mức độ khuyết tật;

- Người khuyết tật hoặc đại diện hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật;

- Có bằng chứng xác thực về việc xác định mức độ khuyết tật của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật không khách quan, chính xác.

(3) Người khuyết tật đã có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động trước ngày 01/6/2012 thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật căn cứ kết luận của Hội đồng giám định y khoa để xác định mức độ khuyết tật như sau:

- Người khuyết tật đặc biệt nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;

- Người khuyết tật nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;

- Người khuyết tật nhẹ khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng lao động dưới 61%.

(4) Trường hợp văn bản của Hội đồng giám định y khoa trước ngày 01/6/2012 kết luận chưa rõ về khả năng tự phục vụ, mức độ suy giảm khả năng lao động thì Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện việc xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật theo quy định tại mục (1).

(Điều 4 Nghị định 28/2012/NĐ-CP)

3. Thủ tục xác định mức độ khuyết tật

Thủ tục xác định mức độ khuyết tật được thực hiện theo quy định tại Điều 18 Luật Người khuyết tật 2010, cụ thể như sau:

- Khi có nhu cầu xác định mức độ khuyết tật, người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người khuyết tật cư trú.

- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn đề nghị xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm triệu tập Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, gửi thông báo về thời gian xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

- Hội đồng xác định mức độ khuyết tật tổ chức việc xác định mức độ khuyết tật, lập hồ sơ xác định mức độ khuyết tật và ra kết luận.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết và thông báo công khai kết luận của Hội đồng xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật.

4. Giấy xác nhận khuyết tật

Theo Điều 19 Luật Người khuyết tật 2010, giấy xác nhận khuyết tật có các nội dung cơ bản sau đây:

- Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính của người khuyết tật;

- Địa chỉ nơi cư trú của người khuyết tật;

- Dạng khuyết tật;

- Mức độ khuyết tật.

Khi đó, giấy xác nhận khuyết tật có hiệu lực kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký.

5. Xác định lại mức độ khuyết tật

Việc xác định lại mức độ khuyết tật được thực hiện theo đề nghị của người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của người khuyết tật khi có sự kiện làm thay đổi mức độ khuyết tật.

Trình tự, thủ tục xác định lại mức độ khuyết tật và cấp giấy xác nhận khuyết tật được thực hiện theo quy định tại mục 3, 4.

(Điều 20 Luật Người khuyết tật 2010)

Xem thêm: Người khuyết tật là ai? Điều kiện hưởng trợ cấp người khuyết tật

06 chính sách hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật? Doanh nghiệp khi nhận người khuyết tật vào làm thì sẽ được hưởng những ưu đãi nào?

Người khuyết tật nhẹ có được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng không? Hồ sơ thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm những gì?

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 8,409

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]