Biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam và cách xác định

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
18/10/2022 16:31 PM

Tôi muốn tìm hiểu về đường biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam. Làm thế nào để xác định được đường biên giới quốc gia trên biển? - Thanh Lan (Hải Dương)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Biên giới quốc gia trên biển là gì?

Điều 3 Nghị định 140/2004/NĐ-CP quy định về biên giới quốc gia như sau:

- Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong đó:

- Đường biên giới quốc gia quy định nêu trên gồm biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển.

- Mặt thẳng đứng gồm mặt thẳng đứng theo biên giới quốc gia trên đất liền, biên giới quốc gia trên biển xuống lòng đất và lên vùng trời.

Như vậy, đường biên giới quốc gia trên biển được xác định là một phần của biên giới quốc gia nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là đường mà mặt thẳng đứng theo đường đó xác định lãnh thổ trên biển xuống lòng đất và lên vùng trời Việt Nam, được xác định dựa trên đất liền, các đảo và các quần đảo.

Biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam và cách xác định

Biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam và cách xác định (Hình từ Internet)

2. Cách xác định biên giới quốc gia trên biển

Theo Điều 5 Nghị định 140/2004/NĐ-CP, cách xác định biên giới quốc gia trên biển được quy định như sau:

- Biên giới quốc gia trên biển là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của các quần đảo Việt Nam.

Ở những nơi lãnh hải, nội thuỷ hoặc vùng nước lịch sử của Việt Nam tiếp giáp với lãnh hải, nội thuỷ hoặc vùng nước lịch sử của nước láng giềng, biên giới quốc gia trên biển được xác định theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết với các nước láng giềng đó.

- Biên giới quốc gia trên biển được xác định và đánh dấu bằng các toạ độ trên hải đồ theo quy định của pháp luật Việt Nam và Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

3. Xác định lãnh hải đất liền, lãnh hải của đảo, các quần đảo

3.1 Xác định lãnh hải của đất liền Việt Nam

Điều 11 Luật Biển Việt Nam 2012 quy định lãnh hải là vùng biển có chiều rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở ra phía biển.

Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển của Việt Nam.

Theo đó, từ phần đường cơ sở tính ra biển 12 hải lý thì đường ranh giới phía ngoài đó sẽ được xem là ranh giới quốc gia trên biển của Việt Nam.

Xem thêm: Đường cơ sở là gì? Cách xác định đường cơ sở của Việt Nam

3.2 Xác định lãnh hải của đảo, các quần đảo Việt Nam

Lãnh hải của đảo, quần đảo Việt Nam được quy định tại Điều 20 Luật Biển Việt Nam 2012, trong đó:

- Đảo thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì có nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

- Đảo đá không thích hợp cho đời sống con người hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

- Nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo, quần đảo được xác định theo quy định tại các điều 9, 11, 13, 15 và 17 Luật Biển Việt Nam 2012 và được thể hiện bằng hải đồ, bản kê toạ độ địa lý do Chính phủ công bố.

Như vậy, mỗi đảo, quần đảo đều có phần nội thủy, lãnh hải riêng, cùng với đường cơ sở tương ứng. Đường biên giới quốc gia trên biển của đảo, quần đảo được xác định từ đường cơ sở tính ra biển 12 hải lý và căn cứ theo quy định tại Điều 11 Luật Biển Việt Nam 2012.

Như Mai

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 117,857

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]