Quy định về đặt tên tàu biển Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
21/10/2022 12:00 PM

Tôi vừa mua tàu biển và muốn hỏi theo quy định thì việc đặt tên tàu biển Việt Nam quy định thế nào? - Văn Quang (Đà Nẵng)

Quy định về đặt tên tàu biển Việt Nam

Quy định về đặt tên tàu biển Việt Nam

1. Điều kiện đăng ký tàu biển Việt Nam

Tại Điều 20 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định về tàu biển khi đăng ký phải có đủ các điều kiện sau đây:

- Giấy tờ hợp pháp chứng minh về sở hữu tàu biển;

- Giấy chứng nhận dung tích, giấy chứng nhận phân cấp tàu biển;

- Tên gọi riêng của tàu biển;

- Giấy chứng nhận tạm ngừng đăng ký hoặc xóa đăng ký, nếu tàu biển đó đã được đăng ký ở nước ngoài, trừ trường hợp đăng ký tạm thời;

- Chủ tàu có trụ sở, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam;

- Tàu biển nước ngoài đã qua sử dụng lần đầu tiên đăng ký hoặc đăng ký lại tại Việt Nam phải có tuổi tàu phù hợp với từng loại tàu biển theo quy định của Chính phủ;

- Đã nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.

Lưu ý: Tàu biển nước ngoài được tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê theo hình thức thuê tàu trần, thuê mua tàu khi đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam, ngoài các điều kiện nêu trên phải có hợp đồng thuê tàu trần hoặc hợp đồng thuê mua tàu.

2. Nguyên tắc đặt tên tàu biển Việt Nam

Căn cứ Điều 21 Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 quy định về nguyên tắc đặt tên tàu biển Việt Nam như sau:

- Tên tàu biển do chủ tàu đặt nhưng không được trùng với tên tàu biển đã đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam;

- Không sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên của tàu biển, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó;

- Không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

3. Hồ sơ đề nghị chấp thuận đặt tên tàu biển Việt Nam

Tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 171/2016/NĐ-CP quy định về hồ sơ đề nghị chấp thuận đặt tên tàu biển, bao gồm:

(1) Tờ khai chấp thuận đặt tên tàu biển theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 171/2016/NĐ-CP;

(2) Hợp đồng mua, bán tàu biển hoặc hợp đồng đóng mới tàu biển hoặc các bằng chứng khác có giá trị pháp lý tương đương về quyền sở hữu đối với tàu biển (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);

(3) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu).

Trường hợp chủ tàu là tổ chức nước ngoài thì nộp giấy phép thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);

(4) Trường hợp chủ tàu là cá nhân còn phải nộp thêm giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu (bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu);

Trường hợp chủ tàu là cá nhân người nước ngoài thì nộp hộ chiếu (bản sao kèm bản chính để đối chiếu).

4. Quy trình tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận đặt tên tàu biển Việt Nam

Quy trình tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận đặt tên tàu biển Việt Nam quy định về Điều 8 Nghị định 171/2016/NĐ-CP như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ

Tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp 01 bộ hồ sơ hoặc gửi qua hệ thống bưu chính đến cơ quan đăng ký tàu biển hoặc bằng các hình thức thích hợp khác.

Bước 2: Quy trình tiếp nhận hồ sơ

Cơ quan đăng ký tàu biển tiếp nhận hồ sơ, thực hiện theo quy trình sau:

- Trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp, nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ; nếu hồ sơ hợp lệ thì vào sổ theo dõi, cấp giấy biên nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả đúng thời gian quy định;

- Trường hợp nhận hồ sơ qua đường bưu chính, nếu hồ sơ không hợp lệ, chậm nhất 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký tàu biển hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Nghị định 171/2016/NĐ-CP;

Bước 3: Trả kết quả

Chậm nhất 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan đăng ký tàu biển trả lời chủ tàu bằng văn bản về việc chấp thuận tên tàu biển do chủ tàu lựa chọn;

Trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.

>>> Xem thêm: Đăng ký tàu biển không thời hạn là gì? Hồ sơ trình tự thủ tục đăng ký tàu biển không thời hạn?

Tàu biển được thế chấp bao gồm những loại nào? Hồ sơ đăng ký thế chấp tàu biển được quy định ra sao?

Muốn kinh doanh đại lý tàu biển cần phải đáp ứng những điều kiện gì? Và người đại lý tàu biển có những trách nhiệm như thế nào?

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,506

Bài viết về

lĩnh vực Giao thông - Vận tải

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]