Tổng hợp chế độ chính sách đối với dân công hỏa tuyến

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
31/10/2022 15:56 PM

Lực lượng dân công hỏa tuyến đã đóng góp tích cực sức người và hy sinh cả xương máu trong công cuộc chiến đấu và xây dựng Tổ quốc. Vậy chế độ, chính sách với dân công hỏa tuyến được quy định như thế nào? – Phục Hưng (Long An).

Tổng hợp chế độ chính sách đối với dân công hỏa tuyến

Tổng hợp chế độ chính sách đối với dân công hỏa tuyến

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Dân công hỏa tuyến là ai?

Theo Quyết định 49/2015/QĐ-TTg về chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế do Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định đối tượng áp dụng Quyết định 49/2015/QĐ-TTg là dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế.

Trong đó, điều kiện xác định là dân công hỏa tuyến là người được Ủy ban hành chính hoặc UBND cấp xã trở lên hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền huy động, quản lý tập trung, được giao làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu cho các đơn vị Quân đội hoặc phục vụ các chiến trường, trong thời gian và địa bàn như sau:

- Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp từ tháng 9/1945 đến ngày 20/7/1954; tham gia kháng chiến chống Mỹ từ sau ngày 20/7/1954 đến ngày 30/4/1975.

Địa bàn thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi cả nước và ở Lào, Campuchia.

- Dân công hỏa tuyến tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam từ tháng 5/1975 đến ngày 07/01/1979, ở biên giới phía Bắc từ tháng 02/1979 đến tháng 12/1988, làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào từ tháng 5/1975 đến ngày 31/12/1988, ở Campuchia từ tháng 01/1979 đến ngày 31/8/1989.

Địa bàn thực hiện nhiệm vụ trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là các huyện biên giới, các huyện tiếp giáp với huyện biên giới có yêu cầu phục vụ, bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu.

- Đối với một số địa bàn đặc biệt, thời gian tham gia của dân công hỏa tuyến có thể được tính sớm hơn hoặc muộn hơn so với thời gian nêu trên do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

Tại Thông tư liên tịch 138/2015/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC, người được Ủy ban hành chính hoặc UBND cấp xã trở lên hoặc cơ quan, đơn vị có thẩm quyền huy động, quản lý tập trung, được giao làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu cho các đơn vị Quân đội hoặc phục vụ các chiến trường, bao gồm:

Vận chuyển vũ khí trang bị, đạn dược, lương thực, thực phẩm, vận chuyển thương binh, bệnh binh; làm đường cơ động, san lấp hố bom, bảo đảm giao thông, liên lạc, vót chông, làm cạm bẫy; đào hầm hào, xây dựng công sự, trận địa, khu vực phòng thủ, trong thời gian và địa bàn theo quy định tại Điểm a, b, c Khoản 2 Điều 2 Quyết định 49/2015/QĐ-TTg.

Thời gian tính hưởng chế độ dân công hỏa tuyến

Theo Thông tư liên tịch 138/2015/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC, thời gian tính hưởng chế độ trợ cấp một lần là thời gian thực tế trực tiếp tham gia dân công hỏa tuyến, tính từ ngày được cấp có thẩm quyền huy động, quản lý tập trung, thực hiện nhiệm vụ cho đến ngày hoàn thành nhiệm vụ, trở về địa phương.

Trường hợp đối tượng có thời gian tập trung tham gia dân công hỏa tuyến ở các đợt khác nhau hoặc có gián đoạn thì được cộng dồn để tính hưởng chế độ.

Chế độ trợ cấp một lần với dân công hỏa tuyến

Đối tượng có đủ điều kiện theo quy định được hưởng chế độ trợ cấp một lần ấn định theo các mốc thời gian thực tế trực tiếp tham gia dân công hỏa tuyến, cụ thể như sau:

- Dưới 01 năm, mức trợ cấp bằng 2.000.000 đồng;

- Đủ 01 năm đến dưới 02 năm, mức trợ cấp bằng 2.700.000 đồng;

- Từ đủ 02 năm trở lên, mức trợ cấp bằng 3.500.000 đồng.

Người đã từ trần thì một trong những thân nhân sau đây của người từ trần: Vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ; con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp được hưởng chế độ trợ cấp một lần theo mức thống nhất tương ứng nêu trên.

Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn A tham gia dân công hỏa tuyến tháng 11 năm 1953, hoàn thành nhiệm vụ về địa phương tháng 5 năm 1954. Cách tính hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với ông Nguyễn Văn A như sau:

Thời gian tham gia dân công hỏa tuyến từ tháng 11 năm 1953 đến tháng 5 năm 1954 là 07 tháng; mức hưởng trợ cấp một lần là 2.000.000 đồng.

Ví dụ 2: Bà Ngô Thị B tham gia dân công hỏa tuyến đợt 1 từ tháng 8 năm 1965, hoàn thành nhiệm vụ về địa phương tháng 01 năm 1966; đợt 2 tham gia dân công hỏa tuyến tại huyện biên giới Tây Nam từ tháng 5 năm 1975, hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương tháng 10 năm 1975. Cách tính hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với bà Ngô Thị B như sau:

Đợt 1: Từ tháng 8 năm 1965 đến tháng 01 năm 1966 là 06 tháng;

Đợt 2: Từ tháng 5 năm 1975 đến tháng 10 năm 1975 là 06 tháng.

Tổng thời gian tham gia 2 đợt là: 06 tháng + 06 tháng = 12 tháng; mức hưởng trợ cấp một lần là 2.700.000 đồng.

Ví dụ 3: Ông Dương Văn C tham gia dân công hỏa tuyến tại huyện Đình Lập, Lạng Sơn từ tháng 7 năm 1980, hoàn thành nhiệm vụ về địa phương tháng 9 năm 1982. Cách tính hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với ông Dương Văn C như sau:

Thời gian tham gia dân công hỏa tuyến từ tháng 7 năm 1980 đến tháng 9 năm 1982 là 02 năm 03 tháng; mức hưởng trợ cấp một lần là 3.500.000 đồng.

Ví dụ 4: Trường hợp ông Nguyễn Văn A nêu tại ví dụ 1, nhưng ông A đã từ trần. Theo quy định, thân nhân của ông A được hưởng chế độ trợ cấp một lần là 2.000.000 đồng.

Chế độ bảo hiểm y tế với dân công hỏa tuyến

Đối tượng có đủ điều kiện theo quy định chưa được hưởng chế độ bảo hiểm y tế thì được hưởng chế độ bảo hiểm y tế tương tự đối tượng quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi, bổ sung 2014).

Tức là được hưởng chế độ bảo hiểm y tế như đối với người có công, cựu chiến binh (đối tượng này được NSNN đóng bảo hiểm y tế).

Trường hợp đối tượng có đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm y tế khác nhau thì chỉ được cấp một thẻ bảo hiểm y tế và được lựa chọn chế độ có mức hưởng cao nhất.

Trợ cấp mai táng phí với dân công hỏa tuyến

Đối tượng có đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp một lần, khi từ trần, người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng phí theo mức quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Trường hợp đối tượng đã từ trần trước ngày 01/01/2016 thì người lo mai táng không được hưởng trợ cấp mai táng phí.

Trường hợp đối tượng từ trần kể từ ngày 01/01/2016 trở đi mà chưa có quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần của cấp có thẩm quyền thì khi có quyết định hưởng chế độ trợ cấp một lần, người lo mai táng được hưởng trợ cấp mai táng phí theo quy định.

Châu Thanh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 19,670

Bài viết về

lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]