Thừa phát lại không được lập vi bằng liên quan đến quyền lợi của mình

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
08/11/2022 13:45 PM

Xin hỏi, đối với Thừa phát lại thì có thể lập vi bằng có liên quan đến lợi ích của mình hay không? - Tú Linh (Long An)

10 điều Thừa phát lại không được làm đối với người yêu cầu

Thừa phát lại không được lập vi bằng liên quan đến quyền lợi của mình

Thông tư 08/2022/TT-BTP quy định về quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Thừa phát lại. Theo đó, Thừa phát lại không được lập vi bằng liên quan đến quyền lợi của mình, cụ thể như sau:

1. Trách nhiệm thực hiện yêu cầu của thừa phát lại với người yêu cầu

Tại Điều 6 Thông tư 08/2022/TT-BTP quy định về trách nhiệm trong việc thực hiện yêu cầu như sau:

- Thừa phát lại phải hướng dẫn, giải thích đầy đủ, chính xác, đúng pháp luật cho người yêu cầu hiểu rõ về quyền, nghĩa vụ, hậu quả pháp lý cụ thể phát sinh của việc thực hiện yêu cầu, nhất là giá trị pháp lý của vi bằng.

- Thừa phát lại có trách nhiệm cung cấp cho người yêu cầu các thông tin có liên quan về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm nghề nghiệp của Thừa phát lại trong hành nghề Thừa phát lại theo yêu cầu của họ.

2. Quy định đối xử bình đẳng giữa những người yêu cầu

Tại Điều 7 Thông tư 08/2022/TT-BTP quy định về việc đối xử bình đẳng giữa những người yêu cầu như sau:

Thừa phát lại bảo đảm đối xử bình đẳng giữa những người yêu cầu, không được phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, địa vị xã hội, khả năng tài chính giữa những người yêu cầu khi họ đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định pháp luật để thực hiện việc yêu cầu.

3. Quy định về việc thu chi phí của thừa phát lại và người yêu cầu

Căn cứ Điều 8 Thông tư 08/2022/TT-BTP quy định về thu chi phí như sau:

Trong trường hợp được ủy quyền của Trưởng Văn phòng Thừa phát lại, Thừa phát lại có trách nhiệm thu đúng, thu đủ và công khai chi phí theo thỏa thuận;

Khi thu chi phí phải ghi hóa đơn, chứng từ đầy đủ và thông báo cho người yêu cầu biết rõ về các khoản thu và số tiền mà họ phải nộp.

4. Thừa phát lại không được lập vi bằng liên quan đến quyền lợi của mình

Những việc Thừa phát lại không được làm trong quan hệ với người yêu cầu được quy định tại Điều 9 Thông tư 08/2022/TT-BTP quy định như sau:

(1) Sách nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người yêu cầu.

(2) Nhận, đòi hỏi thêm bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ người yêu cầu ngoài chi phí đã được ghi nhận trong hợp đồng.

(3) Nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện yêu cầu.

(4) Nhận thực hiện yêu cầu trong trường hợp mục đích và nội dung của yêu cầu vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, không đúng nhiệm vụ, quyền hạn của Thừa phát lại.

(5) Lập vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án dân sự, tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án có liên quan đến quyền, lợi ích của chính mình với người yêu cầu, những người thân thích của mình, bao gồm: Vợ, chồng, con đẻ, con nuôi;

Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác, chú, cậu, cô, dì và anh, chị, em ruột của Thừa phát lại, của vợ hoặc chồng của Thừa phát lại; cháu ruột mà Thừa phát lại là ông, bà, bác, chú, cậu, cô, dì.

(6) Tư vấn, xúi giục, thông đồng, tạo điều kiện cho người yêu cầu thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

(7) Gây áp lực, ép buộc, lừa dối, đe dọa, chiết khấu hoặc đưa ra hứa hẹn nhằm lôi kéo người yêu cầu phải sử dụng dịch vụ.

(8) Câu kết, thông đồng với người yêu cầu, những người có liên quan làm sai lệch nội dung của vi bằng, hồ sơ công việc đã thực hiện hoặc hành vi gian dối khác.

(9) Cố ý thi hành trái nội dung bản án, quyết định; trì hoãn hoặc kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án được giao không có căn cứ pháp luật.

(10) Các công việc bị cấm khác theo quy định của pháp luật.

5. Khen thưởng xử phạt khi thực hiện quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Thừa phát lại

Tại Điều 18 Thông tư 08/2022/TT-BTP quy định về việc khen thưởng và xử lý vi phạm khi thực hiện quy tắc ứng xử nghề nghiệp của Thừa phát lại như sau:

- Thừa phát lại gương mẫu trong thực hiện Quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại thì được Nhà nước và xã hội ghi nhận, vinh danh.

- Thừa phát lại thực hiện không đúng quy tắc đạo đức nghề nghiệp Thừa phát lại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị nhắc nhở, phê bình, khiển trách, xử lý kỷ luật theo nội quy, quy chế của Văn phòng Thừa phát lại, điều lệ của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Thừa phát lại (nếu có);

Bị xử phạt hành chính;

Trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì bị miễn nhiệm hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Ngọc Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,884

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]