Hồ sơ, trình tự đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
10/10/2022 15:00 PM

Hồ sơ đề nghị Cấp chứng chỉ hành nghề luật sư bao gồm những loại giấy tờ gì và trình tự đề nghị cấp như thế nào? – Kim Hoàng (Bình Định)

Hồ sơ, trình tự đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư

Hồ sơ, trình tự đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư

1. Điều kiện hành nghề luật sư

Điều kiện hành nghề luật sư bao gồm:

- Có đủ tiêu chuẩn của luật sư: Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khỏe bảo đảm hành nghề luật sư.

- Phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư.

- Gia nhập một Đoàn luật sư.

(Điều 10, 11 Luật Luật sư 2006)

2. Hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư

2.1. Hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư với người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư

Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư có hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư.

Hồ sơ gồm có:

- Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo mẫu TP-LS-01 ban hành kèm theo Thông tư 05/2021/TT-BTP;

Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư

- Phiếu lý lịch tư pháp;

- Giấy chứng nhận sức khỏe;

- Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sỹ luật;

- Bản sao Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp kèm theo bản xác nhận người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư có đủ tiêu chuẩn luật sư theo quy định của Luật Luật sư.

(Khoản 1 Điều 17 Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012)

1.2. Hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư với người được miễn tập sự hành nghề luật sư

Người được miễn tập sự hành nghề luật sư có hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Sở Tư pháp nơi người đó thường trú.

Hồ sơ gồm có:

- Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo mẫu TP-LS-01 ban hành kèm theo Thông tư 05/2021/TT-BTP;

Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư

- Phiếu lý lịch tư pháp;

- Giấy chứng nhận sức khỏe;

- Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sỹ luật, trừ những người là giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật;

- Bản sao giấy tờ chứng minh là người được miễn tập sự hành nghề luật sư quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật Luật sư.

(Khoản 2 Điều 17 Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012)

3. Trình tự cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư

- Bước 1: Nộp hồ sơ như mục (2).

- Bước 2: Kiểm tra hồ sơ

Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, trong trường hợp cần thiết thì tiến hành xác minh tính hợp pháp của hồ sơ và có văn bản đề nghị kèm theo hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Bộ Tư pháp.

- Bước 3: Cấp, từ chối cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư

Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư; trong trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và Sở Tư pháp nơi gửi hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư.

Người bị từ chối cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư có quyền khiếu nại, khiếu kiện theo quy định của pháp luật.

(Khoản 3 Điều 17 Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012)

4. Đối tượng không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư

Người thuộc một trong những trường hợp sau đây thì không được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư:

- Không đủ tiêu chuẩn luật sư;

- Đang là cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

- Không thường trú tại Việt Nam;

- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng do cố ý, tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý kể cả trường hợp đã được xóa án tích;

- Đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;

- Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

- Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân bị buộc thôi việc mà chưa hết thời hạn ba năm, kể từ ngày quyết định buộc thôi việc có hiệu lực.

(Khoản 4 Điều 17 Luật Luật sư 2006, sửa đổi 2012)

>>> Xem thêm: Trường hợp nào sẽ bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư? Nếu bị thu hồi Chứng chỉ mà vẫn tiếp tục hành nghề luật sư thì bị xử lý thế nào?

Người tập sự hành nghề luật sư có tranh chấp với luật sư hướng dẫn thì có được phép thay đổi nơi tập sự hành nghề luật sư không?

Học viện Tư pháp đưa ra chỉ tiêu đào tạo nghề luật sư là 2000 người/năm trong giai đoạn 2022-2025?

Diễm My

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 39,766

Bài viết về

lĩnh vực Dịch vụ pháp lý

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]