Thủ tục đăng ký, quản lý sĩ quan dự bị

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
22/11/2022 16:01 PM

Đối tượng đăng ký ngạch sĩ quan dự bị gồm những ai? Thủ tục đăng ký, quản lý sĩ quan dự bị quy định thế nào? - Hồng Hà (Cần Thơ)

Thủ tục đăng ký, quản lý sĩ quan dự bị

Thủ tục đăng ký, quản lý sĩ quan dự bị

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Đối tượng đăng ký ngạch sĩ quan dự bị

Theo Điều 9 Nghị định 78/2020/NĐ-CP quy định về đối tượng đăng ký ngạch sĩ quan dự bị bao gồm:

- Sĩ quan, cán bộ là quân nhân chuyên nghiệp khi thôi phục vụ tại ngũ còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện của sĩ quan dự bị;

- Quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ và hạ sĩ quan dự bị đã được đào tạo sĩ quan dự bị;

- Cán bộ, công chức, viên chức và công dân tốt nghiệp đại học trở lên, sinh viên khi tốt nghiệp đại học đã được đào tạo sĩ quan dự bị;

- Những người tốt nghiệp đào tạo Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở đã được phong quân hàm sĩ quan dự bị.

* Lưu ý: Các đối tượng theo quy định không được đăng ký ngạch sĩ quan dự bị trong các trường hợp sau:

- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

- Bị phạt tù hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ;

- Xuất cảnh trái phép hoặc ở lại nước ngoài trái phép;

- Không đủ tiêu chuẩn sức khỏe theo quy định.

Đối tượng quy định đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, có quyết định của cơ quan có thẩm quyền là không có tội, thì được đăng ký vào ngạch sĩ quan dự bị.

2. Thủ tục đăng ký, quản lý sĩ quan dự bị

Thủ tục đăng ký, quản lý sĩ quan dự bị theo Điều 10 Nghị định 78/2020/NĐ-CP như sau:

* Đăng ký lần đầu:

- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày đối tượng quy định tại mục 1 về nơi cư trú hoặc nơi lao động, làm việc (theo giấy giới thiệu của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền) phải thực hiện:

Mang giấy giới thiệu và thẻ sĩ quan dự bị đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hoặc Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức thực hiện đăng ký vào ngạch sĩ quan dự bị. 

Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho các đối tượng nêu trên đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã tại nơi cư trú để đăng ký;

- Trong thời hạn 10 ngày làm việc, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức tổng hợp danh sách sĩ quan dự bị đã đăng ký báo cáo về Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi sĩ quan dự bị cư trú, lao động, làm việc để quản lý.

* Đăng ký bổ sung:

- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày sĩ quan dự bị có sự thay đổi các yếu tố đã đăng ký, phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, hoặc Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức để đăng ký bổ sung. 

Trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho sĩ quan dự bị đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã tại nơi cư trú để đăng ký bổ sung;

- Hằng tháng, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức tổng hợp đăng ký bổ sung của sĩ quan dự bị báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.

* Đăng ký di chuyển:

- Sĩ quan dự bị trước khi di chuyển nơi cư trú hoặc nơi lao động, học tập, làm việc từ huyện này sang huyện khác phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện sở tại để làm thủ tục giới thiệu chuyển về Ban Chỉ huy quân sự nơi sẽ đến cư trú, hoặc lao động, học tập, làm việc mới;

- Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày đến nơi cư trú, hoặc lao động, học tập, làm việc mới, sĩ quan dự bị phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hoặc Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức nơi đến để đăng ký lần đầu.

* Đăng ký vắng mặt:

- Sĩ quan dự bị khi vắng mặt tại nơi cư trú hoặc nơi đang lao động, học tập, làm việc:

Vắng mặt từ 30 ngày trở lên, sĩ quan dự bị phải báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, hoặc cơ quan, tổ chức nơi đang lao động, học tập, làm việc. Hằng tháng, nếu có sĩ quan dự bị vắng mặt, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức tổng hợp báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện;

Sĩ quan dự bị đã sắp xếp, bổ nhiệm vào đơn vị dự bị động viên vắng mặt từ 03 tháng trở lên, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện phải thông báo cho đơn vị nhận nguồn sĩ quan dự bị biết; khi có lệnh tổng động viên, hoặc động viên cục bộ, sĩ quan dự bị phải trở về ngay nơi cư trú, hoặc nơi đang lao động, học tập, làm việc để sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

- Sĩ quan dự bị được cử đi công tác, học tập, làm việc ở nước ngoài hoặc ra nước ngoài vì việc riêng:

Thời hạn từ 01 năm trở lên, sĩ quan dự bị phải báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức nơi sĩ quan dự bị lao động, học tập, làm việc và nộp thẻ sĩ quan dự bị; 

Chậm nhất là 10 ngày làm việc, kể từ ngày sĩ quan dự bị ra nước ngoài, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức nơi sĩ quan dự bị đang lao động, học tập, làm việc phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện để đăng ký vắng mặt dài hạn và nộp lại thẻ sĩ quan dự bị;

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày ở nước ngoài về đến nơi cư trú, hoặc nơi lao động, học tập, làm việc, sĩ quan dự bị phải đến Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức nơi sĩ quan dự bị lao động, học tập, làm việc để đăng ký lại;

Thời hạn dưới 01 năm, sĩ quan dự bị phải nộp lại thẻ sĩ quan dự bị tại Ban Chỉ huy quân sự cấp xã, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức nơi sĩ quan dự bị lao động, học tập, làm việc. 

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày sĩ quan dự bị ra nước ngoài hoặc ở nước ngoài về nước, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã hoặc Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi cư trú.

* Đăng ký riêng:

- Sĩ quan dự bị thuộc diện được miễn gọi phục vụ tại ngũ trong thời chiến theo quy định tại các Điều 5, 6, 7, 8 và 9 Nghị định 14/2016/NĐ-CP; công dân thuộc diện miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến và việc huấn luyện binh sĩ dự bị hạng hai; 

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày sĩ quan dự bị nhận quyết định bổ nhiệm chức vụ thuộc diện nêu trên, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, nơi không có Ban Chỉ huy quân sự thì:

Người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức nơi sĩ quan dự bị đang lao động, học tập, làm việc thông báo bằng văn bản cho Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện sở tại biết để đăng ký vào diện miễn gọi phục vụ tại ngũ trong thời chiến;

- Sĩ quan dự bị không còn giữ các chức vụ quy định tại điểm a khoản này, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày thôi giữ chức vụ thuộc diện được miễn gọi phục vụ tại ngũ trong thời chiến, Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, nơi không có Ban Chỉ huy quân sự thì:

Người đứng đầu, hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức thông báo bằng văn bản cho Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện nơi cư trú để đăng ký lại.

3. Trách nhiệm đăng ký, quản lý sĩ quan dự bị

Trách nhiệm đăng ký, quản lý sĩ quan dự bị theo Điều 11 Nghị định 78/2020/NĐ-CP như sau:

- Bộ Quốc phòng chỉ đạo và hướng dẫn việc đăng ký, quản lý sĩ quan dự bị trong phạm vi cả nước.

- Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quân sự cùng cấp thực hiện đăng ký, quản lý sĩ quan dự bị ở địa phương.

- Bộ Tư lệnh quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thuộc quyền và các cơ quan, tổ chức trên địa bàn thực hiện việc đăng ký, quản lý sĩ quan dự bị.

- Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã và Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức, người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức nơi sĩ quan dự bị đang lao động, học tập, làm việc có trách nhiệm thực hiện việc đăng ký, quản lý sĩ quan dự bị.

- Các cơ quan, tổ chức chỉ tiếp nhận, bố trí việc làm và giải quyết các quyền lợi cho sĩ quan dự bị khi đã thực hiện nghĩa vụ đăng ký và tạo mọi điều kiện để sĩ quan dự bị thực hiện đầy đủ các quy định về đăng ký ngạch sĩ quan dự bị.

- Các đơn vị thường trực, các học viện, nhà trường Quân đội đào tạo sĩ quan dự bị làm thủ tục, giới thiệu sĩ quan dự bị về đăng ký lần đầu tại Ban Chỉ huy quân sự cấp xã nơi sĩ quan dự bị cư trú hoặc lao động, học tập, làm việc.

- Các đơn vị thường trực của Quân đội nhân dân phải thường xuyên phối hợp với cơ quan quân sự địa phương các cấp trong việc phúc tra, đăng ký, quản lý sĩ quan dự bị đã sắp xếp, bổ nhiệm vào đơn vị mình.

- Nguồn kinh phí:

+ Kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý sĩ quan dự bị do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi hằng năm của Bộ Quốc phòng;

+ Kinh phí đăng ký sĩ quan dự bị do ngân sách địa phương bảo đảm.

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 16,289

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]