Quy trình và nguyên tắc đánh giá E-HSDT

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
24/11/2022 15:20 PM

E-HSDT là gì? Quy trình và nguyên tắc đánh giá E-HSDT được quy định như thế nào? - Quế Chi (Tiền Giang)

Quy trình và nguyên tắc đánh giá E-HSDT

Quy trình và nguyên tắc đánh giá E-HSDT

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT  giải đáp như sau:

1. E-HSDT là gì?

Theo điểm o khoản 4 Điều 3 Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT thì E-HSDT là hồ sơ dự thầu đối với đấu thầu rộng rãi qua mạng, đấu thầu hạn chế qua mạng, hồ sơ đề xuất đối với chào hàng cạnh tranh qua mạng theo quy trình thông thường, báo giá đối với chào hàng cạnh tranh rút gọn qua mạng.

2. Mẫu báo cáo đánh giá E-HSDT

Theo khoản 6 Điều  4 Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT thì các mẫu báo cáo đánh giá E-HSDT được quy định như sau:

- Mẫu số 6A sử dụng để lập báo cáo đánh giá E-HSDT theo quy trình 01 quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT cho gói thầu dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ;

Mẫu số 6A

- Mẫu số 6B sử dụng để lập báo cáo đánh giá E-HSDT theo quy trình 02 quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT cho gói thầu dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ;

Mẫu số 6B

- Mẫu số 6C sử dụng để lập báo cáo đánh giá E-HSDT cho gói thầu dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ;

Mẫu số 6C

- Mẫu số 6D sử dụng để lập báo cáo đánh giá E-HSDT cho gói thầu dịch vụ tư vấn theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ.

Mẫu số 6D

3. Quy trình đánh giá E-HSDT 

Quy trình đánh giá E-HSDT theo khoản 1 Điều 32 Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT như sau:

(1) Quy trình 01 áp dụng cho tất cả các gói thầu:

- Đánh giá tính hợp lệ của E-HSDT;

- Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm;

- Đánh giá về kỹ thuật;

- Đánh giá về tài chính.

(2) Quy trình 02 áp dụng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, sử dụng phương pháp “giá thấp nhất” và các E-HSDT đều không có bất kỳ ưu đãi nào:

- Căn cứ vào biên bản mở thầu, Hệ thống tự động xếp hạng nhà thầu theo giá dự thầu thấp nhất (không phải phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu trong trường hợp này);

- Đánh giá tính hợp lệ E-HSDT của nhà thầu xếp hạng thứ nhất;

- Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu xếp hạng thứ nhất;

- Đánh giá về kỹ thuật của nhà thầu xếp hạng thứ nhất;

Trường hợp nhà thầu xếp hạng thứ nhất không đáp ứng thì đánh giá đối với nhà thầu xếp hạng tiếp theo.

(3) Đối với gói thầu áp dụng theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, căn cứ vào E-HSDT của các nhà thầu đã nộp trên Hệ thống và phương pháp đánh giá E-HSDT quy định trong E-HSMT, bên mời thầu được chọn một trong hai quy trình quy định tại (1) và (2) mục này để đánh giá E-HSDT. 

Quy trình 02 chỉ thực hiện khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại (2) mục này.

4. Nguyên tắc đánh giá E-HSDT

Nguyên tắc đánh giá E-HSDT theo khoản 2 Điều 32 Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT như sau:

- Việc đánh giá E-HSDT phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá E-HSDT và các yêu cầu khác trong E-HSMT, các tài liệu làm rõ E-HSMT, căn cứ vào E-HSDT đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ E-HSDT của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu;

- Sau khi lựa chọn được danh sách ngắn, trường hợp nhà thầu thay đổi tư cách tham dự thầu thì gửi văn bản đến bên mời thầu để xem xét, chấp thuận. Trường hợp bên mời thầu chấp thuận, nhà thầu phải đính kèm các tài liệu chứng minh năng lực, kinh nghiệm trong E-HSDT theo tư cách tham dự thầu mới;

- Đối với các nội dung Hệ thống đánh giá tự động, trường hợp nhà thầu không kê khai thông tin hoặc có kê khai nhưng không đúng, không đầy đủ, không đáp ứng theo yêu cầu của E-HSMT thì Hệ thống sẽ đánh giá nhà thầu "không đạt" ở nội dung này.

Tổ chuyên gia không thể sửa đổi kết quả đánh giá từ "không đạt" thành "đạt" khi Hệ thống đã đánh giá "không đạt". 

Trường hợp các thông tin mà nhà thầu cam kết, kê khai trong E-HSDT không trung thực dẫn đến làm sai lệch kết quả đánh giá E-HSDT của nhà thầu thì nhà thầu sẽ bị coi là gian lận và bị xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều 122 Nghị định 63/2014/NĐ-CP;

- Đối với bảo đảm dự thầu, trường hợp có sự không thống nhất giữa thông tin kê khai trên webform và file đính kèm thì thông tin trong file đính kèm là cơ sở để đánh giá;

- Đối với hợp đồng tương tự, trường hợp có sự không thống nhất giữa thông tin về hợp đồng kê khai trên webform và file tài liệu chứng minh các thông tin về hợp đồng đó thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu làm rõ E-HSDT;

Trường hợp các hợp đồng mà nhà thầu kê khai, đính kèm trong E-HSDT không đáp ứng yêu cầu của E-HSMT, bên mời thầu yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung hợp đồng khác từ hồ sơ năng lực của nhà thầu trên Hệ thống để đáp ứng yêu cầu của E-HSMT trong một khoảng thời gian phù hợp nhưng không ít hơn 03 ngày làm việc. 

Trường hợp nhà thầu không có hợp đồng đáp ứng yêu cầu của E-HSMT thì nhà thầu bị loại.

- Đối với xuất xứ của hàng hóa, trường hợp có sự không thống nhất giữa thông tin kê khai trên webform và file đính kèm thì bên mời thầu yêu cầu làm rõ E-HSDT;

- Đối với các nội dung ngoài các nội dung nêu tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều 32 Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT, trường hợp có sự không thống nhất giữa thông tin kê khai trên webform và file đính kèm thì thông tin trên webform là cơ sở để xem xét, đánh giá;

- Tại bước đánh giá về tài chính, trường hợp nhà thầu không kê khai thông tin trong biểu mẫu về ưu đãi hàng hóa sản xuất trong nước (đối với gói thầu mua sắm hàng hóa) để làm cơ sở tính toán ưu đãi thì nhà thầu sẽ không được hưởng ưu đãi;

- Nhà thầu được mời vào thương thảo hợp đồng phải chuẩn bị các tài liệu để đối chiếu, chứng minh các thông tin mà nhà thầu kê khai trong E-HSDT. 

Đối với các nội dung về tính hợp lệ, lịch sử không hoàn thành hợp đồng do lỗi của nhà thầu, thực hiện nghĩa vụ thuế, doanh thu bình quân hằng năm, giá trị tài sản ròng đã được Hệ thống đánh giá tự động là "đạt" theo thông tin kê khai, trích xuất trong E-HSDT mà tổ chuyên gia đánh giá lại là "không đạt" thì tổ chuyên gia chỉnh sửa lại kết quả đánh giá từ "đạt" thành "không đạt". 

Trong trường hợp này, bên mời thầu mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo hợp đồng mà không phải phê duyệt lại danh sách xếp hạng.

Đối với thông tin về thực hiện nghĩa vụ thuế, doanh thu bình quân hằng năm, giá trị tài sản ròng từ năm 2021 trở đi, bên mời thầu chỉ đối chiếu nếu nhà thầu cập nhật thông tin mà không đối chiếu trong trường hợp các thông tin trên do Hệ thống tự động trích xuất từ Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Hệ thống thuế điện tử.

Quốc Đạt

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 59,087

Bài viết về

lĩnh vực Đấu thầu

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]